Tin trong nước Tin trong nước
Học tập suốt đời.
08:07 | 17/02/2014 Print   E-mail    


Tăng cường các hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội học tập suốt đời tại các thiết chế văn hóa, là một trong những nội dung quan trọng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 208/QĐ-TTg về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học công nghệ phát triển mạnh như hiện nay, học tập suốt đời là giải pháp hữu hiệu nhất để mỗi công dân không bị tụt hậu. Mỗi người có thể thông qua nhiều con đường, hình thức, phương pháp để cập nhật thông tin, tìm kiếm kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng, năng lực sáng tạo cho bản thân. Ngoài thời gian học tập ở các cơ sở giáo dục, việc phát huy vai trò, tận dụng lợi thế của thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa để nâng cao kiến thức, kỹ năng cũng rất cần thiết đối với mỗi công dân sống trong kỷ nguyên công nghệ số.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 137 bảo tàng, hơn 4.700 thư viện, gần 5.500 nhà văn hóa. Phần lớn những thiết chế văn hóa này được đầu tư xây dựng khang trang ở các vị trí đắc địa, khu trung tâm dân cư và đã thu hút khá đông người dân đến tham quan, tìm hiểu, học tập và sinh hoạt. Nhiều bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa còn lắp đặt hệ thống máy tính kết nối mạng, phục vụ internet miễn phí cho người xem và trở thành điểm đến khá hấp dẫn của nhiều người dân, nhất là lớp trẻ.
Description: http://image.qdnd.vn/Upload/ngoduydong/2014/2/13/13022014dong14182229843.gif
Ảnh minh họa/Nguồn: Thanhnien.vn
Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví bảo tàng như “thánh đường văn hóa”, thư viện là “kho tàng tri thức nhân loại”, nhà văn hóa là “trung tâm khắc họa đời sống văn hóa”. Tác dụng, ưu thế, sức mạnh là vậy, nhưng thời gian qua, những thiết chế văn hóa này ở một số nơi mới được quan tâm về bề nổi, chưa chú trọng khai thác và phát huy có chiều sâu nên sức lôi cuốn cộng đồng còn hạn chế. Thậm chí, có nơi xây dựng nhà văn hóa (nhất là cấp xã, thôn) chỉ nhằm “tô đẹp cảnh quan” cho địa phương, nhưng thiếu kinh phí và không có cơ chế, chính sách hoạt động hiệu quả. Chúng ta từng có bài học nhãn tiền là khắp nơi xây dựng điểm “bưu điện văn hóa xã” nhằm phục vụ việc đọc sách, học tập và nâng cao kiến thức cho người dân, nhưng thiết chế này sớm bộc lộ bất cập, không phát huy hiệu quả và trở nên lãng phí.
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” hy vọng sẽ là một “cú huých” mới để toàn xã hội và mỗi người dân tự ý thức, nâng cao hiểu biết về ý nghĩa, tầm quan trọng to lớn của việc học tập suốt đời. Đây cũng là lời nhắc nhở chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở và các cơ quan chức năng phải đề cao trách nhiệm hơn nữa trong việc chỉ đạo, đầu tư thỏa đáng về cơ chế, chính sách, nhân lực để khai thác, phát huy tối đa hiệu quả từ các thiết chế rất giàu tính giáo dục này. Bên cạnh đó, các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa cũng phải nỗ lực tìm tòi, tích cực đổi mới hình thức, nội dung, mô hình hoạt động, tạo ra nhiều sân chơi mới mẻ, bổ ích, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý, thị hiếu, nhu cầu, sở thích của người dân trong xã hội hiện đại. Chỉ có sự “cộng hưởng” của các nhân tố đó mới có thể biến các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ thành những điểm sáng văn hóa để thu hút đông đảo nhân dân tự nguyện đến đây học tập suốt đời.
Hải Châu. Nguồn QĐND