Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Cần phải quyết liệt công tác quản lý về bảo vệ môi trường
07:11 | 01/03/2016 Print   E-mail    

Đó là yêu cầu của ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về vấn đề quản lý Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Bởi bên cạnh những kết quả đã đạt được, những năm qua, BR-VT cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi quản lý. Các cấp, các ngành, các địa phương đang có định hướng gì để khắc phục khó khăn, tăng cường công tác BVMT, giúp địa phương phát triển xanh và bền vững?

Bên cạnh những mặt đã đạt được, những năm qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như: tình trạng ô nhiễm do hoạt động chế biến, nuôi trồng thủy sản; ô nhiễm trong hoạt động chăn nuôi; ô nhiễm bụi lò phát sinh từ ngành thép; ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt; chậm cải tạo môi trường tại các khu vực ô nhiễm; thiếu nhân lực thực thi nhiệm vụ BVMT… Trong đó, khó khăn lớn nhất được nhiều đại diện đề cập đến đó là tình trạng thiếu nhân lực thực thi nhiệm vụ BVMT. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh cho biết, tổng biên chế đang thực hiện nhiệm vụ BVMT tại các huyện, thành phố là 13 người, không đủ nhân lực để thực thi đẩy đủ nhiệm vụ hậu kiểm, kiểm soát và xử lý kịp thời các nguồn thải vượt quy chuẩn xả thải theo quy định thuộc thẩm quyền, dẫn đến gây áp lực lớn đối với cơ quan chuyên môn về BVMT cấp tỉnh trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thành, cho biết, Tân Thành là địa bàn chịu nhiều áp lực về BVMT vì huyện là địa phương tập trung nhiều điểm nóng có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao như: khu chế biển hải sản Tân Hải; khu xử lý chất thải tập trung 100ha xã Tóc Tiên; hàng chục mỏ đá và các nhà máy luyện thép cũng đóng chân trên địa bàn huyện… Tuy nhiên phòng TN-MT biên chế chỉ có 2 người; các xã thì không có cán bộ chuyên trách, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh những khó khăn ở địa phương, quản lý môi trường cấp tỉnh cũng đang gặp nhiều hạn chế. Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, tình trạng nuôi trồng thủy sản lồng bè, đăng đáy tự phát ngày càng nhiều, đặc biệt thời gian gần đây số lượng lồng bè tăng đột biến và đang có dấu hiệu lấn chiếm hành lang an toàn đường thủy. Theo ông Linh, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành thì các địa phương cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời cung cấp thông tin các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường để giải quyết quyết liệt.

Bãi rác Phước Cơ đã được xử lý ô nhiễm triệt để

Theo phân tích của Sở TN-MT, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế đó là nhận thức về BVMT của người dân, DN; địa phương chưa kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và BVMT, trong đó có cả nguyên nhân về tài chính. Cụ thể, thiếu nguồn lực tài chính đầu tư các công trình BVMT đặc biệt liên quan đến các dự án trọng điểm về BVMT thu gom, xử lý nước thải đô thị và đầu tư hạ tầng để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu đô thị, dân cư cũng khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề. Đến nay chỉ có 1 dự án thu gom, xử lý nước thải đô thị được triển khai nhưng mất nhiều năm; 3 dự án đầu tư cụm chế biến hải sản tập trung chỉ có 2 cụm được triển khai; nhiều dự án cải tạo ô nhiễm nghiêm trọng: Kênh Bến Đình (TP. Vũng Tàu), ao Hải Hà (huyện Long Điền), … chưa được triển khai.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu, cho biết, cũng như các địa phương khác, TP. Vũng Tàu vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về BVMT. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm nhất hiện nay là tiến độ của dự án “Xử lý nước thải đô thị TP. Vũng Tàu” công suất xử lý 22.000m3/ngày đêm. Hiện nay, dự án chưa đi vào hoạt động vì vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với một số hộ dân. Dự án chậm đưa vào vận hành gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường trên địa bàn TP. Vũng Tàu thời gian qua. Hiện lãnh đạo TP. Vũng Tàu đã giao cho Phòng TN-MT củng cố hồ sơ, thủ tục, trình tự để tiến hành cưỡng chế các hộ dân này. Khi dự án hoạt động sẽ thu gom toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP. Vũng Tàu, trong đó có nước thải của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải vào hạ lưu sông Dinh (khu vực cầu Rạch Bà)./.

Bài, ảnh: NHƯ MÂY, BBT