An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Thành phố Vũng Tàu tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
10:27 | 28/01/2016 Print   E-mail    

 

 

An toàn thực phẩm là một vấn đề có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng và  cũng là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập của Việt Nam. Vệ sinh an toàn thực phẩm trong cả nước đang gây ra nhiều lo lắng cho người dân. Thực chất, nhiều vấn đề như tình trạng sử dụng những hoá chất cấm  dùng trong nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản, thực phẩm; Việc sản xuất  một số sản phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ  môi trường, đang  gây ảnh hưởng xấu đến xuất  khẩu và tiêu dùng.

 

Đoàn kiểm tra thực tế tại các bếp ăn, cửa hàng thực phẩm

Trong những ngày đầu năm mới 2016, thành phố Vũng Tàu ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 31/12/2015 của UBND Thành phố kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016, theo đó đối tượng được xác định để kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trong đó tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm dùng nhiều trong dịp Tết như thịt, các sản phẩm từ thịt, cá, hải sản, các loại bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo… ngoài việc kiểm tra các thủ tục hành chính, việc chấp hành các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phố Vũng Tàu chỉ đạo các cơ quan chức năng chú trọng đến quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm… Tiếp theo đó UBND Thành phố ban hành công văn số 56/UBND-YT ngày 11/01/2016 về việc tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, thức ăn đường phố; kế hoạch 05/KH-UBND ngày 13/01/2016 kế hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân, trong đó Thành phố quan tâm chỉ đạo công tác truyền thông tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chú trọng đến các đối tượng sản xuất kinh doanh, thực phẩm, người kinh doanh thức ăn đường phố thực hiện đúng quy trình chế biến thực phẩm, sử dụng nguyên liệu phụ gia đảm bảo an toàn thực phẩm, tuyệt đối không dùng chất cấm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ người tiêu dùng. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là chủ trương trọng tâm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố. Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm do ông Phạm Văn Lưu, Trưởng phòng Y tế Thành phố làm Trưởng đoàn chúng tôi ghi nhận tại một số chợ, vi phạm phổ biến là các sạp bán thịt, cá không được đảm bảo vệ sinh môi trường, nhếch nhác, dụng cụ bảo quản thực phẩm không sạch sẽ, tình trạng sử dụng hàn the trong chả, phoóc môn trong bún khô đã xuất hiện, đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định.

Ngoài ý thức đạo đức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ người Việt Nam; người tiêu dùng cũng phải tự bảo vệ mình bằng việc chọn mua thực phẩm tại địa chỉ tin cậy, tự kiểm tra những nội dung thông thường như hạng sử dụng, xuất xứ… và phát hiện báo cho Ban quản lý chợ hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất đối với các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định. Mỗi Khu phố, Tổ dân cư trên địa bàn Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền là cầu nối cho chính quyền phát hiện xử lý các hành vi vi phạm về giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất, chế biến thực phẩm đang thực hiện tại khu dân cư. Với sự tích cực của cả hệ thống chính trị Thành phố và việc vào cuộc trách nhiệm của chính quyền về an toàn vệ sinh thực phẩm chúng ta tin tưởng người dân Thành phố có một mùa xuân an toàn hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm./.

Bài, ảnh: Thắng Cảnh, BBT