Tin trong nước Tin trong nước
Bế mạc phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
01:06 | 27/09/2015 Print   E-mail    

 
Ngày 25-9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng và điều hành của các Phó Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tập trung thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Ban hành quyết định hành chính và việc thành lập Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán. Buổi chiều, phiên họp thứ 41 kết thúc chương trình làm việc.
 
Theo Tờ trình Chính phủ, hoạt động ban hành quyết định hành chính (QĐHC) là một trong những phương thức quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước, là hoạt động cơ bản của nền hành chính, biểu hiện của thực thi quyền hành pháp trong nhà nước pháp quyền, do đó, đòi hỏi phải tuân thủ đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn quản lý nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể. Những năm qua, hoạt động ban hành QĐHC chưa được điều chỉnh đầy đủ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc bởi thiếu vắng một văn bản ở tầm luật, nên chưa thể đáp ứng đầy đủ, toàn diện yêu cầu của thực tiễn. Thực tế cho thấy, số lượng vụ việc khiếu nại, khởi kiện QĐHC hàng năm không nhỏ, phần nào phản ánh chất lượng của các QĐHC chưa bảo đảm; một số vụ việc trở thành điểm nóng, một số vụ việc trở nên phức tạp đã ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định chính trị - xã hội của một số địa phương, một số vùng, thậm chí trên toàn quốc.
 
Tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, việc ban hành QĐHC là hoạt động quan trọng và được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc ban hành các QĐHC vẫn còn nhiều hạn chế, không ít những quyết định được ban hành chưa hợp lý, thiếu tính khả thi. Một số đại biểu nêu, có những quyết định bị khiếu nại, khởi kiện, gây bức xúc trong dư luận. Một trong những mục tiêu ban hành luật này là bảo đảm các cơ quan hành chính nhà nước phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc ban hành QĐHC, nhiều đại biểu nêu quy định về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật là quá hẹp.
 
Tại khoản 2, Điều 2 của dự thảo luật quy định cơ quan ban hành QĐHC thuộc Chính phủ, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ, thủ trưởng các đơn vị được tổ chức theo ngành dọc, UBND các cấp; chủ tịch UBND các cấp; thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, theo quy định của pháp luật, chủ thể ban hành QĐHC rất rộng, không chỉ bao gồm các cơ quan hành chính nhà nước, mà còn các cơ quan, cá nhân khác, như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; những người có chức vụ trong tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, công chức được trao quyền thực hiện hoạt động quản lý nhà nước...
 
Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận cơ bản nhất trí quan điểm mở rộng quy định hơn dự thảo để bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Ủy ban TVQH thống nhất ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại dự án luật để trình Ủy ban TVQH, trước khi đưa ra báo cáo QH tại kỳ họp sau.
 
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, phiên họp lần này Ủy ban TVQH cho ý kiến về bảy dự án luật, trong đó có ba dự án luật trình QH thông qua. Phó Chủ tịch QH đề nghị: Căn cứ các nội dung, các dự án luật, báo cáo giám sát chuyên đề, báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng KSND tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015... và nhiều nội dung khác đã được thảo luận tại Ủy ban TVQH; Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH, các cơ quan liên quan cần tiếp thu, hoàn chỉnh nội dung, bảo đảm chất lượng các nội dung trình kỳ họp QH lần thứ 10 sắp tới. Văn phòng QH phối hợp các cơ quan hữu quan hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp, đôn đốc công tác chuẩn bị các nội dung, điều kiện về mọi mặt để phục vụ kỳ họp thành công./.

                                                                       Nguồn: Nhân dân điện tử,BBT