An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Trung Tâm dạy nghề Truyền Tín – nơi trao gửi niềm tin, hi vọng cho người khuyết tật
09:20 | 03/07/2013 Print   E-mail    

 
                   Xen giữa những cửa hàng kinh doanh thời trang, thể thao, tạp hóa…,một trung tâm sửa chữa điện thoại di động đã và đang  hoạt động sôi nổi. Tuy nhiên, đây không phải là một trung tâm bình thường mà nơi đây, những con người với những hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung là người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn.
 
                Tôi tìm đến Trung tâm dạy nghề Truyền Tín (số 118, Ba Cu), khi có rất nhiều khách hàng đang chờ để sửa chữa điện thoại, ánh mắt và bàn tay khéo léo của những kỹ thuật viên đang tập trung vào chiếc điện thoại với những chi tiết nhỏ xíu, tinh vi khiến tôi không khỏi khâm phục.  Trò chuyện với tôi, anh Nam cho biết: sau cơn sốt bại liệt, anh bị liệt hai chân hoàn toàn, hoàn cảnh thiếu may mắn này đã từng khiến anh thất vọng và buông xuôi trong một thời gian dài. May mắn thay, được sự giúp đỡ của Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, anh được giới thiệu học sửa chữa điện thoại tại trung tâm dạy nghề Truyền Tín. Từ đây, anh mới cảm nhận được sự yêu thương, chia sẻ, giúp anh có động lực gạt đi những mặc cảm, tự ti để làm người có ích cho xã hội. Sau khi hoàn thành khóa học, anh ở lại nơi mình học nghề để làm việc với mức thu nhập ổn định.
 
DSC_0021
 
                 Tương tự, Anh Nguyễn Đình Quân, kỹ thuật viên sửa chữa điện thoại cho biết: từ lúc sinh ra cho đến tuổi lên mười, dù biết mình bị khuyết tật đôi chân, nhưng anh không mấy bận tâm và lo lắng. Chỉ khi lớn lên, đủ để nhận thức về sự bất hạnh của mình, anh mới thấy cuộc đời sao éo le đến vậy. Mặc cảm, tự ti, chán nản, buông xuôi, thất vọng…là những cảm xúc đã gắn liền với anh trong những năm tháng thời thanh thiếu niên. Nhưng cũng chính sức mạnh từ tình yêu thương gia đình, từ sự động viên giúp đỡ của hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, anh đã được giới thiệu và đến học tại đây. Đến nay, anh là một trong những kỹ thuật viên có tay nghề cao nhất của trung tâm với thâm niên 7 năm học tập và làm việc, mức thu nhập hàng tháng không những giúp anh đủ trang trải cho bản thân mà còn giúp đỡ cho gia đình.
 
DSC_0009
 
                  Để có công việc ổn định và tạo thu nhập cho những người khiếm khuyết như anh Nam, anh Quân, không thể không nhắc đến người sáng lập Truyền Tín, anh Nguyễn Tiến Lâm – giám đốc Cty TNHH Truyền Tín. Anh Lâm cho biết: anh cũng là người không may mắn khi sinh ra là một người khuyết tật,  và anh cũng đã từng chán nản với sự không may của mình nhưng anh luôn ý thức được việc phải sống tự lập, sống ý nghĩa. Hiểu rõ thực trạng người khuyết tật không dễ dàng tìm được việc làm, anh nung nấu ý định phải tạo mọi điều kiện để những người không may mắn có thể sống và hòa nhập với cộng đồng một cách thuận lợi hơn. Với ý nghĩ đó, anh đã học sửa chữa điện thoại từ một người bạn, rồi sau đó mạnh dạn mở cơ sở sửa chữa điện thoại. Cửa hàng điện thoại Truyền Tín ra đời là kết quả của sự kiên trì, nhẫn nại cộng với sự quyết tâm muốn thay đổi cuộc sống của anh. 
 
                   Từ cửa hàng đầu tiên, anh Lâm đã phát triển thêm một số chi nhánh tại TP. Vũng Tàu. Không những vậy, anh còn phát triển thành trung tâm dạy nghề miễn phí dành cho người khuyết tật. Hiện tại, trung tâm có trên 20 nhân viên đang học và làm việc. Năm 2011, anh Lâm còn mở thêm cơ sở dạy nghề tại thành phố Bà Rịa. Cơ sở mới này cũng nhằm đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của các bạn thanh niên khuyết tật đang sinh sống tại đây, giúp các bạn thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Sau gần 10 năm thành lập, đã có hàng trăm thanh niên khuyết tật không chỉ ở trong thành phố mà còn ở các huyện khác trong tỉnh và ngoài tỉnh đã tìm đến, học nghề và ra hành nghề. Trong số đó, có thanh niên ở lại làm việc, có thanh niên mạnh dạn về quê mở tiệm riêng.Việc xây dựng trung tâm dạy nghề không chỉ thể hiện sự đồng cảm, sự thấu hiểu của anh Lâm với những người trẻ - những thanh niên khuyết tật mà việc làm đó còn thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội.
 
                   Ngoài hoạt động kinh doanh, sửa chữa điện thoại, anh Lâm còn tổ chức cho các nhân viên, học viên trong trung tâm tham gia các hoạt động xã hội như: tham gia hội thao người khuyết tật của tỉnh, trung ương, giao lưu với các hội người khuyết tật trong tỉnh, ngoài tỉnh, tặng quà và xây dựng nhiều mái ấm tình thương cho những người có hoàn cảnh khó khăn …
 
                    Những điều mà anh Lâm cùng những nhân viên, học viên của mình làm được đã chứng tỏ: tinh thần và ý chí của con người sẵn sàng vươn lên chiến thắng mọi hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Xã hội và người khuyết tật cần nhiều hơn nữa những công ty, doanh nghiệp như công ty Truyền Tín nhằm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người thiếu may mắn. Các ngành chức năng cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các trường tạo điều kiện, cơ hội để người khuyết tật được học nghề hòa nhập với người bình thường. Hy vọng rằng, với những nỗ lực chung của các cấp, ngành xã hội, của các công ty doanh nghiệp, đặc biệt là của ý chí, nghị lực vươn lên của chính bản thân họ, những người khuyết tật sẽ có thêm nhiều cơ hội để xây dựng cuộc sống ý nghĩa cho bản thân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
 
Bài, ảnh: Dung Đoàn

                                                                                                 BBT.