Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam qua bản đồ cổ
02:42 | 16/10/2014 Print   E-mail    

 
Thời gian gần đây, Bà Rịa – Vũng Tàu đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam bằng nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Mới đây, việc lắp đặt panô trưng bày bộ bản đồ cổ chứng minh lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam tại các điểm công cộng trên địa bàn tỉnh đã tạo được hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của cả người dân địa phương lẫn du khách trong và ngoài nước.
 
Hai em học sinh Trương Quốc Thắng và Nguyễn Thuyết Kỳ xem bano trưng bày bản đồ cổ được lắp dựng tại Nhà Văn hóa - Thanh niên Tỉnh

Có 13 tấm panô trưng bày bản đồ khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam vừa hoàn thành việc lắp dựng tại các điểm công cộng trên địa bàn tỉnh. Mỗi tấm panô có diện tích 11,4m2  trưng bày 4 tấm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Các bản đồ cổ này do nhà Nguyễn (Việt Nam), nhà Thanh (Trung Quốc) và Pháp ấn hành trước đây, gồm: Đại Nam thống nhất toàn đồ do nhà Nguyễn lập năm 1834, thể hiện Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam; An Nam đại quốc họa đồ, tác giả Jean Louis Taberd (Pháp) vẽ năm 1838, thể hiện quần đảo Paracel Seu Cát vàng (Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó còn có Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, nhà Thanh lập năm 1904 thể hiện cực Nam lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không có hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương, Pháp lập năm 1940, thể hiện Đài khí tượng Pattle (Hoàng Sa) và Đài khí tượng Itu Aba (Trường Sa) là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương.
 
Việc lắp đặt, trưng bày bản đồ cổ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Bà Rịa – Vũng Tàu có ý nghĩa quan trọng, là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đồng thời kêu gọi mọi người dân Việt Nam cùng quyết tâm bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc. Đặc biệt, những tấm bản đồ này còn giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn những giá trị chủ quyền đất nước, từ đó càng thêm tự hào, quyết tâm bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Em Trương Quốc Thắng, học sinh trường THPT Vũng Tàu cho biết, em đã được học nhiều bài học lịch sử Việt Nam nhưng khi tận mắt nhìn thấy những tấm bản đồ cổ này, em cảm nhận rõ hơn những bài học về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của đất nước. Trong đó em ấn tượng nhất tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ. Tấm bản đồ này đã khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng sa là của Việt Nam. “Em tự nhận thấy rằng, tuổi trẻ hôm nay cần phải có trách nhiệm cùng chung tay với mọi người để bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Thắng nói. Còn chị Nguyễn Thị Kim Tuyền, Cán bộ Nhà Văn hóa – Thanh niên tỉnh, cho biết: “Việc lắp đặt tấm panô trưng bày bản đồ cổ tại Nhà Văn hóa - Thanh niên tỉnh và các điểm công cộng khác trên địa bàn tỉnh giúp chúng tôi có điều kiện thực tế hơn trong việc tuyên truyền cho các bạn trẻ về chủ quyền biển đảo Việt Nam đồng thời tiếp thêm ngọn lửa về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển, đảo cho đoàn viên thanh niên”.
 
Được biết, trong kế hoạch tuyên truyền về biển đảo, có 13 điểm công cộng trên địa bàn tỉnh được lắp đặt các tấm bản đồ cổ xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, hàng năm Bà Rịa – Vũng Tàu đón hơn 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn nửa triệu lượt khách quốc tế. Vì vậy, ngoài yếu tố để lắp dựng bản đồ cổ phải là các điểm công cộng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn chọn những nơi thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. “Việc lắp đặt những panô thể hiện các bản đồ cổ đã góp phần cung cấp đến mọi tầng lớp nhân dân kiến thức cần thiết về chủ quyền Việt Nam. Đây chính là điều kiện để thông điệp khẳng định “quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hiệu quả tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam vì thế càng có sức lan tỏa sâu rộng”, ông Lê Thanh Dũng khẳng định.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.