Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Đất nước – 70 năm một chặng đường
07:19 | 31/08/2015 Print   E-mail    

Kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2-9 (2/9/1945 - 2/9/2015):
Đất nước – 70 năm một chặng đường
------------
 
70 năm đã đi qua kể từ ngày đó (02/9/1945 - 02/9/2015), lịch sử dân tộc Việt Nam đã sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Đó là thành quả cách mạng vĩ đại của tinh thần đoàn kết triệu người như một của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 02-9-1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Cũng với Tuyên ngôn 2-9, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà mình dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
 
Ngày 02/9/1945 trở thành mốc son trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, một kỷ nguyên mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Và trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của ngày Quốc khánh 2-9 sẽ đời đời bất diệt. Khát vọng hòa bình và tinh thần ấy của Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi con người Việt Nam và đây là nguồn động viên lớn để khơi dậy lòng nhiệt huyết của thế hệ hôm nay quyết giữ vững nền độc lập tự do.
 
Sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, chúng ta phải bước vào một cuộc kháng chiến chống Pháp trong 9 năm. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta lại phải tiến hành một cuộc chiến tranh nữa với Mỹ kéo dài 20 năm. Sau cuộc chiến tranh với Mỹ, ta lại phải tiến hành một cuộc chiến tranh nữa ở biên giới phía Tây Nam và song song đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Tức là sau khi giành độc lập, Việt Nam phải đối phó với 4 cuộc chiến tranh lớn và sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, chúng ta phải chịu sự cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây, kéo dài trong 20 năm từ 1975-1995. Đến năm 1995 họ mới bãi bỏ cấm vấn và bình thường hóa quan hệ với mình.
 
Từ một đất nước nghèo đói lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên là một quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình; một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Việt Nam là điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo, trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhiều chỉ số liên quan đến con người, an sinh xã hội của Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước cùng trình độ phát triển. Nền kinh tế Việt Nam từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp đã trở thành một nền kinh tế năng động vận hành theo kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 300 tỷ USD (gấp khoảng 1,5 lần tổng sản phẩm quốc nội), có quan hệ thương mại với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 20.000 dự án và số vốn gần 300 tỷ USD.
 
Thực tế, khoảng thời gian để tập trung xây dựng đất nước chỉ khoảng 10-15 năm. Sau năm 1995, còn có biết bao nhiêu vấn đề khác xảy ra như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; chưa kể trải qua các cuộc chiến tranh, đất nước bị tàn phá hoàn toàn, chúng ta gần như phải làm lại từ con số 0. Đến bây giờ, chúng ta đạt được một trình độ như vậy đó là một thành tựu vô cùng to lớn không phải nước nào cũng làm được. Về kinh tế, chỉ trong một thời gian ngắn, cho đến giờ, GDP của ta đã đạt xấp xỉ 200 tỷ USD, gấp 4 lần so với năm 2000. Chỉ trong vòng 15 năm mà GDP tăng gấp 4 lần là con số cực kỳ ý nghĩa, không thể phủ định được. Cùng với đó, đời sống của người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng phát triển không thua kém các nước láng giềng.
 
Bảy thập kỷ đã trôi qua, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Hiện nay, cục diện trên thế giới đang có nhiều thay đổi, có thuận lợi và có cả khó khăn, phức tạp, nhưng đất nước ta đã lớn mạnh hơn rất nhiều và trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế, là thành viên của nhiều tổ chức trên thế giới như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... và có quan hệ với hầu hết các nước và khu vực trên thế giới. Vừa qua, Đại hội XI của Đảng đã đưa ra những quyết sách chiến lược, nhằm phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Toàn Đảng, toàn dân đang đoàn kết phấn đấu, quyết tâm xây dựng thành công nước Việt Nam thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Ngày nay đất nước ta đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần; Việt Nam đã trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế.
 
Để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, người dân sống trong tự do, hạnh phúc, trong một quốc gia độc lập, một xã hội nhân hòa, an bình và tràn ngập yêu thương; để các nét đẹp, các giá trị văn hóa Việt được tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, “Chúng ta cần thực hiện đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đồng bộ hơn nữa. Cần khơi dậy, cổ vũ sáng tạo trong toàn xã hội, cần nhận diện, tháo gỡ những rào cản, phát huy mọi nguồn lực, tất cả vì lợi ích của nhân dân. Lòng tự hào và tự tôn dân tộc, trách nhiệm trước các thế hệ cha anh và các thế hệ tương lai thôi thúc, tiếp thêm sức mạnh để chúng ta quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; góp phần gìn giữ, kiến tạo hòa bình, hợp tác trong khu vực và trên thế giới".
 
Kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2-9, mỗi người Việt Nam dù đang bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất mẹ hoặc ở xa Tổ quốc, cũng không khỏi xúc động bồi hồi, khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày đầu cách mạng, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2-9-1945 lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên giọng nói ấm áp của Người, đọc Tuyên ngôn 2-9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 70 năm nhìn lại, Đảng ta, nhân dân ta vô cùng tự hào với những thành tựu đạt được nhưng đó cũng là niềm tin để chúng ta tiếp tục cố gắng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
 
                                                                                          Bài: Lê Ngân, BBT