Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Người vẽ quốc kỳ Việt Nam !
07:59 | 14/07/2015 Print   E-mail    

 

Quốc kỳ, Quốc ca là một phần thiêng liêng của Tổ quốc, là hình ảnh đại diện cho một quốc gia, một dân tộc trên thế giới. Chúng ta vô cùng tự hào mỗi khi lá cờ Tổ quốc tung bay trên khắp cơ quan, trường học, các hộ nhà dân trong các dịp lễ, tết cổ truyền dân tộc. Đặc biệt vào những sự kiện thể thao Quốc tế, khi các vận động viên của chúng ta đạt huy chương vàng thì hình ảnh lá cờ Tổ quốc được kéo lên cùng với bài hát Quốc ca được vang lên làm cho hàng vạn con tim rung lên, những khoảnh khắc đó thực sự là niềm vinh quang, tự hào, bồi hồi và xúc động.
 
Description: G:\Quoc ky VN.jpg
 
Quốc kỳ Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh, mang một ý nghĩa sâu sắc: Nền cờ đỏ tượng trưng cho màu nhiệt huyết Cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng; Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho màu của chủng tộc - Chủng tộc da vàng, là sự sáng ngời của linh hồn dân tộc Việt Nam; năm cánh sao vàng là sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân gồm sĩ, nông, công, thương, binh trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của hồn nước, lòng dân; Là sự hy sinh anh dũng của biết bao lớp cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
 
Nhìn lá cờ đỏ thắm tung bay trên bầu trời lộng gió, chúng ta tự hào và vô cùng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào hơn quê hương Hà Nam có nhà Cách mạng Nguyễn Hữu Tiến - Một trong những lãnh tụ của Đảng cộng sản Việt Nam - Người đã vẽ lá cờ Tổ quốc.
 
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến còn gọi là thầy giáo Hoài, sinh ngày 05/3/1901 trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở làng Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ngay từ nhỏ đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã được ông nội dạy chữ thánh hiền với đạo lý lòng tự tôn dân tộc; Ông thường được nghe ông nội mình ngâm bài thơ “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư ”. Lòng yêu quê hương, đất nước đã được hình thành trong ông từ đó. Hàng ngày đi học, trước khi vào lớp phải chào cờ tây, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến băn khoăn tự hỏi:“Cờ Nam ta khuất đâu rồi? Chào cờ Tây, luống ngậm ngùi lòng con. Còn trời, còn nước, còn non. Còn con dân Việt thì còn cờ thiêng”.
 
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến luôn giữ bên mình bài thơ này với một niềm day dứt khôn nguôi, những câu chuyện bà nội kể về: Cờ lau tập trận, bà Trưng Bà Triệu phất cờ đánh giặc... Cứ ám ảnh suốt cuộc đời ông về số phận Tổ Quốc, về một bóng cờ...
 
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến hoạt động Cách mạng và bị địch bắt hết nhà giam này đến nhà giam khác, cuối cùng thực dân Pháp đã đầy ông làm tù khổ sai chung thân tại Côn Đảo. Đảng bộ Côn Đảo chọn cử một số đồng chí trong đó có đồng chí Nguyễn Hữu Tiến vượt biển trở về đất liền hoạt động, nhưng lần thứ hai mới thành công.
 
Description: Chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi vẽ cờ (tác phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao).
( Chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến- tranh của cố nhạc sĩ Văn Cao )
 
Bao tháng năm vẫn trăn trở, ấp ủ và ước mơ về một bóng cờ thiêng liêng mang hồn dân tộc; Trước ngày Nam Kỳ khởi nghĩa đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về lá cờ và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã nhất trí phải có một lá cờ để tập hợp, hiệu triệu quần chúng xông lên chiến đấu một mất một còn với kẻ thù thực dân xâm lược. Xứ ủy Nam Kỳ đã phân công cho đồng chí Nguyễn Hữu Tiến vẽ lá cờ Tổ quốc.
 
Trong những đêm không ngủ, hình tượng lá cờ hiện dần lên theo bàn tay của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, hồn thiêng đất nước đã bừng lên sắc cờ đỏ thắm chói lọi với sao vàng năm cánh, cờ đỏ sao vàng sẽ tung bay trong các cuộc đấu tranh: “Hỡi những ai máu đỏ da vàng. Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc. Nền cờ thắm máu đào vì nước. Sao vàng tươi, da của giống nòi. Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi. Hỡi sĩ, nông, công, thương, binh. Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh...”( Thơ của Nguyễn Hữu Tiến )
 
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã vẽ lá cờ đỏ sao vàng vào phiến đá và in ra nhiều bản cho chuyển xuống các cơ sở bí mật; Công việc in ấn gần xong thì lính Pháp ập đến bắt giữ ông; Chúng đã đập nát bàn tay vẽ cờ của ông, sáng ngày 28/8/1941 ông bị xử bắn. Đứng trước họng súng quân thù, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến không sợ chết, ông thấy cờ đỏ sao vàng bay lên giữa bầu trời của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Lá cờ của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã lan rộng ra và trở thành cờ hiệu của phong trào Việt Minh.
 
Cuối năm 1940, Bác Hồ đang hoạt động ở nước ngoài, Người đã quan tâm tới sự xuất hiện cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tháng 8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại hội Quốc dân Tân trào quyết định chính thức lấy lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh và bài hát “Tiến quân ca” của cố nhác sĩ Văn Cao làm Quốc kỳ và Quốc ca của nước Việt Nam. Có một điều trùng hợp lý thú, vinh dự và tự hào là tác giả Quốc kỳ và Quốc ca đều là hai người con ưu tú của quê hương Hà Nam. Lá cờ đỏ sao vàng lại chính thức xuất hiện vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
 
Ngày 5 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh quyết định quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Tại kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa I, ngày 2 tháng 3 năm 1946 đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa và xác nhận bởi hiến pháp Việt Nam dân chủ cộng hòa 1946. Hiến pháp Việt Nam dân chủ cộng hòa 1959 cũng xác nhận lại cờ đỏ sao vàng là cờ của Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1976, lá cờ này được sử dụng làm quốc kỳ của chính thể nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tận ngày nay.
 
Cùng với tên nước Việt Nam dân chủ công hòa ( nay là xã hội chủ nghĩa Việt Nam ) lá Quốc kỳ và giai điệu hùng tráng của Quốc ca Việt Nam luôn luôn song hành và có mặt ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước hình chữ S và trên hành tinh này mỗi khi giá trị tinh thần của dân tộc Việt được khẳng định.
 
Hơn bao giờ hết, nhân dân cả nước nói chung và thành phố Vũng Tàu nói riêng đều tỏ lòng biết ơn người vẽ lá cờ Tổ quốc – Liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến cùng lớp lớp chiến sĩ cách mạng và các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm ngọn cờ Tổ quốc bằng xương, bằng máu của mình !
 
( Theo nguồn từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam và một số tư liệu cần thiết đối với cán bộ tuyên giáo công đoàn. NXB.LĐ )
                                                                                           Sưu tầm Bài: Hoàng Yến