Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Vọng cổ ngọt ngào
03:09 | 27/03/2015 Print   E-mail    

Ngày nay, nhạc trẻ, nhạc nước ngoài đã rất thịnh hành nhưng nhiều người vẫn thích trở về với câu vọng cổ ngọt ngào. Sức mạnh của bộ môn nghệ thuật ca cổ, cải lương là vậy, nhưng diễn cải lương không mang lại thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình cho các nghệ sĩ. Muốn giữ được bộ môn nghệ thuật này thì chính những người nghệ sĩ phải tự kiếm kế mưu sinh, người làm nghề buôn bán, người là tài xế xe, người là công nhân viên chức của một đơn vị…để khi tối đến họ lại được sống với những câu vọng cổ ngọt ngào.
 
CLB Cải lương Trung tâm văn hóa tỉnh được thành lập vào năm 2011, hiện có 38 hội viên, là những nghệ sĩ yêu nghề, tâm huyết với bộ môn nghệ thuật cải lương. Nhiệm kỳ 2011-2015 vừa qua, CLB cải lương Trung tâm văn hóa tỉnh đã tổ chức 33 đợt biểu diễn và giao lưu với các câu lạc bộ của Huyện Long Điền, Đất Đỏ, Tân Thành và Thành phố Vũng Tàu; tổ chức biểu diễn 20 chương trình “Điểm hẹn Sông Dinh” và “Ngọt ngào Giai điệu Quê hương” phục vụ cho nhân dân trong tỉnh. Qua các buổi biểu diễn đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân…“Dù nghệ thuật cải lương có lúc thịnh lúc suy, khán giả trẻ không nhiều người còn mặn mà nữa nhưng chúng tôi vẫn tin rằng có nhiều người vẫn yêu quý bộ môn nghệ thuật này”, nghệ sĩ cải lương Nguyễn Phi Hải chia sẻ.
 
Và muốn giữ được bộ môn nghệ thuật này thì chính những người nghệ sĩ phải tự kiếm kế mưu sinh, người làm nghề buôn bán, người là tài xế xe, người là công nhân viên chức của một đơn vị… Chị Trần Ngọc Hương cũng bén duyên với nghệ thuật cải lương từ hàng chục năm nay. Khi thì chị vào vai một bà già, một lão hề, một kép độc, có khi lại thành một đào lẳng... nhưng vai diễn nào đối với chị cũng xuất phát từ đam mê và tình yêu nghệ thuật. Để “nuôi” được niềm đam mê của mình, hàng ngày chị phải lo chu toàn công việc gia đình để khi có thời gian chị lại cùng với các thành viên trong CLB Cải lương sinh hoạt, tập luyện. “Có những hôm diễn tận Xuyên Mộc, Châu Đức, Long Hải… người dân ở đây đến xem đông lắm nên diễn hăng quá có khi 11-12 giờ đêm mới về đến nhà”, chị Hương kể. Không chỉ có chị, cô con gái Huỳnh Trần Hương Giang cũng “nối nghiệp” cải lương của mẹ đã nhiều năm nay. Hương Giang chia sẻ, trong khi nhạc trẻ đang lên ngôi, nhạc sôi động đang thịnh hành, nghệ thuật cải lương dường như lại đang trầm lắng lại, chính vì thế sự nỗ lực hết mình của các nghệ sĩ cải lương trẻ tuổi sẽ là một ngọn lửa giúp nghệ thuật cải lương có thể sống mãi với thời gian.
 
Nghệ sĩ Như Hoa người từng được biết đến nhiều qua các tác phẩm như: Dòng sông quê em, nhớ cha mùa phượng đỏ, hoa phượng đợi chờ… cũng thể hiện tình yêu nghề bằng hàng chục năm dài mang giọng hát của mình đi trình diễn khắp nơi. Nghệ sĩ Như Hoa nói: “Vào nghề này ai cũng phải biết hoá trang và sử dụng trang phục sao cho phù hợp với nội dung của bài ca vọng cổ hoặc trích đoạn cải lương. Mọi người cố gắng tận dụng những gì mình có, chứ không dùng gì lãng phí, đặng dành tiền thưởng từ các buổi biểu diễn để đóng góp vào hoạt động cho CLB”.
 
Và rồi những nỗ lực của các nghệ sĩ cũng được đền đáp, đất diễn cho môn nghệ thuật cải lương ngày càng được mở rộng hơn. Được biết, nhiệm kỳ 2015-2018, CLB Cải lương tỉnh sẽ tổ chức sinh hoạt và biểu diễn ít nhất mỗi tháng 1 lần; tiếp tục đưa thêm nhiều mô hình, hình thức mới trong sinh hoạt để làm phong phú nội dung hoạt động của CLB; khai thác các loại hình nghệ thuật, sáng tác các tác phẩm ca ngợi về quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu và vận động kết nạp thêm hội viên mới.
 
Bài: Yến Nhi
BBT.