Liên Kết Website Liên Kết Website
An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Phòng ngừa bệnh xương khớp ở người cao tuổi
10:46 | 04/05/2015 Print   E-mail    

Phòng ngừa bệnh xương khớp ở người cao tuổi
 
Hiện nay, bệnh xương khớp rất phổ biến trong cộng đồng. Các bệnh lý về xương khớp không chỉ thường gặp ở những người già mà ngay cả những người trẻ tuổi cũng thường gặp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các bệnh xương khớp ở người cao tuổi như: Sự lão hoá của cơ thể cũng như các điều kiện môi trường, xã hội, văn hóa không thuận lợi (ô nhiễm môi trường, lao động nặng nhọc, thời tiết thay đổi thường xuyên, kinh tế lạc hậu, trình độ văn hoá, nhận thức của người dân...).
Một số bệnh khớp thường hay gặp nhiều ở những người cao tuổi. Đó là thoái hoá khớp, loãng xương, đau cột sống thắt lưng, gút, ung thư xương. Thoái hoá khớp chính là hậu quả của quá trình lão hóa khớp, còn loãng xương chính là do lão hoá hệ thống xương của cơ thể. Điều đáng chú ý là người có tuổi thường hay mắc đồng thời nhiều bệnh khác nhau như tăng huyết áp, bệnh Parkinson, làm bệnh nhân rất dễ bị ngã với hậu quả là gãy xương, thậm chí tử vong. Còn gút chính là biểu hiện rối loạn chuyển hoá đạm của cơ thể, một trục trặc về chuyển hóa, thường đi kèm với các rối loạn chuyển hoá khác như rối loạn chuyển hoá đường gây bệnh đái tháo đường hay rối loạn lipid máu gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Còn ung thư xương thường là thứ phát, hậu quả của di căn các loại ung thư từ nơi khác đến xương như ung thư phổi, vú, dạ dày, tuyến tiền liệt, bệnh đa u tủy xương.
 
Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh bệnh xương khớp ở người cao tuổi
                                                                  (Hình minh họa)
Các biểu hiện của bệnh xương khớp là đau ở bất kỳ vị trí nào của bộ máy vận động dù cho đó là cơ, xương hay khớp và hạn chế vận động. Triệu chứng đau có thể kèm theo các triệu chứng viêm khác sưng, nóng, đỏ. Đó chính là các nguyên nhân đầu tiên khiến người bệnh phải quan tâm chú ý đến bộ máy vận động của mình. Để phát hiện bệnh sớm, người bệnh cần đi khám và kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Tránh để bệnh nặng mới đi khám khi đó thời gian điều trị sẽ lâu hơn và mất nhiều thời gian để điều trị. Chỉ có các bác sĩ chuyên khoa về xương khớp mới là chuyên gia phát hiện đúng và điều trị kịp thời các bệnh xương khớp cũng như có thể tư vấn hiệu quả cho người bệnh. Việc xác định các yếu tố phát triển bản thân và môi trường là các yếu tố nguy cơ mắc bệnh khác cũng giúp cho người thầy thuốc đánh giá được một cách toàn diện khả năng mắc bệnh, tiên lượng được mức độ nặng nhẹ của bệnh. 
Đối với đau nhức do thoái hóa khớp, biểu hiện thường bao gồm đau lưng, ù tai, ngủ ít, nước tiểu không trong, lưng gối mỏi đau, tiểu tiện nhiều lần...Khi bệnh mới khởi phát, cơn đau chỉ xuất hiện ở một vài khớp, thường giảm đi nếu người bệnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi bệnh diễn biến nặng, người bệnh có thể đau nhiều khớp cùng lúc hoặc toàn thân, đau khi cử động nhẹ và không dứt dù được nghỉ ngơi. Về lâu dài, bệnh có thể dẫn tới tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.
 
Bệnh lý xương khớp có thể điều trị và dự phòng bằng cách điều chỉnh cân nặng, tránh dư cân béo phì; bổ sung canxi, vitamin D và vitamin C (sữa, cam, ớt, cà chua...) vào khẩu phần ăn hàng ngày của người cao tuổi. Tránh mang vác sai tư thế và các động tác gập gối, ngồi xổm, leo trèo, đứng nhiều, lắc tay...Theo GS Maxime Dougados (Pháp), trước hết, cần chống lại 3 kẻ thù với các khớp xương là: Sự tăng trọng lượng cơ thể quá mức, thói quen lười vận động cơ bắp và các chấn thương; còn đối với hệ xương khớp, cần hoạt động cơ bắp hằng ngày đều đặn, không nghiện rượu và thuốc lá...
 
Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh bệnh xương khớp ở người cao tuổi
(Hình minh họa)
 Các biện pháp điều trị và dự phòng có hiệu quả các bệnh xương khớp ở người cao tuổi đó là: chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, kết hợp với chế độ thuốc phù hợp với đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi. Ngoài ra sự giúp đỡ động viên  của gia đình và xã hội có vai trò rất quan trọng. Chính sự hoạt động trong các câu lạc bộ sức khỏe người cao tuổi góp phần củng cố sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi. Các biện pháp điều trị không dùng thuốc như khí công, thái cực quyền thường có hiệu quả lớn ở những người cao tuổi. Luyện tập được xem như một liều thuốc quý, rất có ích đối với sức khỏe con người và đặc biệt cực kỳ công hiệu trong việc giảm đau nhức.
Có rất nhiều hình thức luyện tập mà bạn có thể lựa chọn phù hợp theo độ tuổi, sức lực và sở thích, ví như những môn thể thao bơi lội, aerobic hay chỉ đơn giản là hình thức đi bộ. đi xe đạp nhẹ. Các chuyên gia về xương khớp đều thống nhất, hoạt động cơ bắp là phương pháp then chốt để phòng ngừa các bệnh ở cơ quan vận động của cơ thể. Đi bộ hằng ngày, đó là sự sống còn. Nhưng để giúp ích được cho sức khoẻ, cần tiến hành đi bộ đúng cách: hằng tuần 3 lần, mỗi lần 1h là mức thấp nhất.Trong quá trình đi bộ như vậy, do bàn chân tiếp xúc với mặt đất tạo ra những kích thích có tác dụng tăng cường sức sống ở các tế bào xương, khả năng vận động ở các khớp, làm cho cơ bắp mạnh lên và giúp cho cơ thể duy trì thế cân bằng ở mức hoàn hảo. Việc luyện tập không chỉ tốt cho hệ tim mạch mà còn tốt cho hệ xương, cơ và khớp. Cần uống nước đầy đủ, nhất là về mùa đông không nên ngại uống nước vì nước chiếm 70% thành phần của sụn và duy trì sự trơn tru giữa 2 đầu xương.
Ngoài ra, người già nên củng cố sức khỏe thể chất và tinh thần bằng các hoạt động giao lưu, các bài tập không dùng thuốc nhưng có hiệu quả cao như khí công, thái cực quyền. Không nên lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm khi cơn đau nhức quá sức chịu đựng, nhằm tránh các tác dụng phụ như giòn xương, phù nề tay chân, ảnh hưởng đến thận và đường tiêu hóa. Thay vào đó, có thể sử dụng thêm các thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh lý xương khớp./.
 
                                                                                      Bài: Lê Ngân

BBT. 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu