Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Hình ảnh người thầy luôn sáng mãi trong lòng học sinh nhiều thế hệ
06:53 | 20/11/2014 Print   E-mail    

 

Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học, coi trọng vai trò của giáo dục. Và trong các yếu tố cấu thành của hệ thống giáo dục thì vai trò của người thầy có vị trí đặc biệt quan trọng.Ở mọi thời đại, người thầy luôn để lại dấu ấn trong sự phát triển của các thế hệ học trò.
 
 
Thời phong kiến ngày xưa, khi làng xã chỉ có duy nhất Ông Đồ- theo cách gọi ngày nay là người thầy- là người “đọc sách thánh hiền”, “nhiều chữ nghĩa”, tinh thông “Nho- y- lý- số” và luôn chú ý rèn luyện phẩm cách, khắc kỷ, giữ mình, “an bần lạc đạo” - người thầy khi ấy trở thành biểu tượng mẫu mực của đạo đức, tri thức, nói đến người thầy là xã hội đặc biệt kính trọng. Ngày nay, với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, trình độ dân trí cao, các ngành nghề phát triển mở rộng, người thầy không còn là người độc quyền truyền bá tri thức, địa vị người thầy vì thế cũng giảm đi đáng kể. Cùng đó, nền kinh tế thị trường với sự suy tôn thái quá giá trị đồng tiền, ở đâu đó đã xuất hiện các hiện tượng tiêu cực: tham nhũng, mua bằng, bán điểm…nhất là sự thiếu gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận nhà giáo đã làm cho lòng tin và sự ngưỡng mộ của người học vào hình ảnh người thầy, vào các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng dần bị mai một; hình ảnh người thầy giảm đi vẻ trang trọng, cao quý, thiêng liêng. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, đa số người thầy ngày nay vẫn giữ được phẩm chất đạo đức, giữ được lối sống thanh cao, giản dị, hết lòng vì học sinh thân yêu; ngày đêm say mê nghiên cứu, nâng cao trình độ. Thầy Nguyễn Tự Trí, giáo viên dạy Toán trường THPT Vũng Tàu là một ví dụ. 37 năm làm nghề giáo là 37 năm thầy tận tụy với nghề, hết lòng dạy dỗ, dìu dắt các thế hệ học trò. Khi thời gian đứng trên bục giảng của thầy không còn nhiều, thầy Trí càng nhận thấy rằng, danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh hay chiến sĩ thi đua cấp tỉnh không làm thầy hạnh phúc bằng sự thành đạt của các học trò.
 
Thầy Nguyễn Tự Trí- giáo viên trường THPT Vũng Tàu tâm sự: trong quãng đường 37 năm gắn bó với nghề giáo, tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn với học trò. Tuy nhiên, điều làm tôi vui nhất, hạnh phúc nhất là khi học trò thành đạt, đặc biệt khi có em đạt giải Toán cấp tỉnh, cấp quốc gia, và vui khi các em đạt điểm số cao trong các kỳ thi đại học và thi tốt nghiệp.
 
chỉ có những người thầy sắp nghỉ hưu như thầy Nguyễn Tự Trí mới nhận thấy giá trị đích thực của nghề nhà giáo để giữ gìn hình ảnh đẹp của người thầy trong mắt học trò trong những tháng ngày còn lại, mà ngay cả những giáo viên trẻ như cô Phan Thị Như Quỳnh, giáo viên trường THCS Duy Tân cũng đã xác định cho mình nghề dạy học là một trong những nghề cao quý nhất của xã hội để phấn đấu, xây dựng và giữ gìn hình mẫu nhà giáo trong mắt học trò ngay từ khi mới bước chân vào nghề. Vì thế, 7 năm đứng trên bục giảng, thời gian chưa nhiều, nhưng cũng đủ để cô Quỳnh phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và quan trọng hơn cả là trở thành một hình mẫu thân thương trong mắt các học trò.
 
Em Trần Thị Giang- Học sinh lớp lớp 8.1, trường THCS Duy Tân, Thành phố Vũng Tàu chia sẻ: Trong lòng của em cũng như của các bạn nói chung, thầy cô giáo là người rất yêu thương học sinh và quan tâm tới tất cả học sinh. Học sinh có thể chia sẻ những điều hay từ cô giáo hay những điều thắc mắc.
 
Cô Phan Thị Như Quỳnh, giáo viên trường THCS Duy Tân , Thành phố Vũng Tàu tâm sự: Ai cũng có một hình mẫu, bản thân tôi cũng có, đó là thầy giáo cũ của tôi. Và tôi đã học hỏi được nhiều điều ở thầy, như  khi đứng lớp dạy học thì mong muốn tạo đươc tâm thế thoải mái cho HS, tạo được điều khiến cho HS mình yêu quý, nhớ mình. Có thể các em không nhớ nhiều về những kỷ niệm khác, nhưng nhớ về một thầy cô đã tận tình chăm sóc các em trên bước đường đời, đấy là một hình mẫu mà bất kỳ GV nào cũng theo đuổi.
 
Có thể nói, cái cao quý của nghề dạy học không chỉ ở chỗ truyền dạy kiến thức mà là ở tình thương yêu, là lòng tâm huyết, là “ngọn nến tự đốt cháy” của người thầy. Nhà nghiên cứu giáo dục người Mỹ Marva Collins nói: “Học phí có thể trả bằng tiền, nhưng tình thương của người thầy đối với học trò thì không gì trả nổi”. Sống và làm việc theo chân lý này, giáo viên cả nước nói chung, giáo viên tỉnh BRVT nói riêng hầu hết vẫn trọn vẹn, tỏa sáng trong lòng các thế hệ học trò.
 
Em Nguyễn Thị Huyền Như- Học sinh lớp 12 trường THPT Vũng Tàu chia sẻ: Đối với em, hình ảnh người thầy, người cô là hình ảnh thiêng liêng. Thầy cô như là người cha người mẹ, mặc dù không sinh ra chúng em nhưng thầy cô đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong hình thành lên nhân cách, giáo dục chúng em. Những kiến thức mà chúng em học được, những trải nghiệm trong môi trường học đường cũng như trong cuộc sống phần lớn là nhờ công ơn thầy cô. Chính vì thế, đối với chúng em thầy cô là người không thể thiếu, rất quan trọng và chúng em rất tôn trọng điều đó. Xem thầy cô như một tấm gương chuẩn mực mà chúng em noi theo và phấn đấu để hoàn thiện mình hơn.
 
Không có nền GD nào có thể thiếu vắng người thầy. Tuy nhiên, để hình ảnh người thầy mãi tỏa sáng trong lòng các thế hệ học trò, bản thân mỗi người thầy phải không ngừng cố gắng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn. Gieo những hy vọng, niềm tin, những kiến thức cho học trò bằng sự tất cả sự nhiệt huyết, tận tâm, học trò sẽ hiểu rằng: những người làm cho cuộc đời chúng khác đi, không phải là những người danh tiếng nhất, nhiều tiền nhất. Mà đó chính là những người đã từng bận lòng với chúng.
 
Bài, ảnh: Minh Phát
BBT.
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu