Liên Kết Website Liên Kết Website
Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Tìm hướng phát triển các câu lạc bộ nghệ thuật
02:43 | 30/10/2014 Print   E-mail    

 
Số lượng các câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật trên địa bàn tỉnh rất nhiều nhưng hiệu quả hoạt động chưa đồng đều. Làm thế nào để phát triển các CLB nghệ thuật? Đó là câu hỏi khiến những người làm văn hóa luôn trăn trở.
 
 
Theo đánh giá hoạt động các CLB nghệ thuật của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch những năm gần đây: nhân sự không ổn định, chất lượng hoạt động chưa cao. Kinh phí eo hẹp là nguyên nhân kéo theo sự sụt giảm chất lượng của các CLB. Ngoài khó khăn về kinh phí, Trung tâm Văn hoá tỉnh cho biết thêm, khó khăn mà hầu hết các CLB nghệ thuật ở địa phương đang gặp phải  là hiện nay, nhiều CLB nghệ thuật trên địa bàn tỉnh xây dựng theo chỉ tiêu, số lượng được giao mà thiếu khảo sát nhu cầu của người dân địa phương. Vì vậy, không ít CLB nghệ thuật nhưng chỉ đơn giản là một sân chơi cuối tuần, cuối tháng của một số đối tượng nào đó chứ chưa mở rộng quy mô hoạt động để mang lại hiệu quả xã hội, thu hút đông đảo lực lượng quần chúng tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, một số địa phương, trang thiết bị xuống cấp, phòng ốc lại thiếu thốn nên nhiều CLB nghệ thuật hoạt động mang tính cầm chừng, bó gọn trong phạm vi nội bộ giữa các CLB với nhau. Một số CLB nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử, tuồng cổ, cải lương… mới chỉ dừng lại ở việc biểu diễn phục vụ nhân dân trong làng, trong xóm chứ chưa vươn ra được cấp huyện, thị hay cấp tỉnh. Đáng lo ngại hơn là tham gia sinh hoạt tại những CLB này chủ yếu là những nghệ nhân lớn tuổi trong khi các hội viên trẻ vẫn luôn hiếm hoi.
 
Theo chủ nhiệm một CLB nghệ thuật thì ban chủ nhiệm các CLB nghệ thuật phải là những người nhiệt tình và có trình độ chuyên môn thì mới có thể định hướng cho CLB mình hoạt động hiệu quả. Nhưngtrong khi một số hội viên đầu tư thời gian, tiền bạc cho CLB thì cũng có không ít những người nơi nào có điều kiện thì tham gia, nơi nào khó khăn thì rút khỏi CLB. Không chỉ có các CLB ở các đơn vị huyện, thị mà ngay cả các CLB thuộc Trung tâm Văn hoá tỉnh cũng gặp những khó khăn tương tự. Điển hình như việc thay đổi ban chủ nhiệm CLB thư pháp chữ Việt đã làm khựng lại hoạt động của toàn bộ thành viên trong CLB. CLB tuồng cổ thì chỉ biểu diễn mang tính chất doanh thu chứ không có chương trình sinh hoạt thường kỳ...
 
Xuất thân là một người tu hành nhưng thầy Huệ Nhẫn, chủ nhiệm của CLB Đờn ca tài tử huyện Tân Thành lại làm công tác xã hội hóa nghệ thuật rất tốt. Là một trong những CLB “sinh sau đẻ muộn” nhưng CLB Đờn ca tài tử huyện Tân Thành hoạt động rất mạnh với 65 hội viên và có nguồn thu đáng kể. Thầy Huệ Nhẫn chia sẻ, với những người tu hành như thầy cũng có cách làm riêng. Hàng tuần, hàng tháng, thầy tổ chức cho các nghệ nhân trong CLB của mình biểu diễn ở các đình, chùa, lễ hội. Mỗi tuần 3 tối, các hội viên của CLB lại có dịp hội ngộ ở quán cà phê Tiếng tre xanh (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) vừa để luyện tập ngón đờn, ca mấy bài bản cho đỡ nhớ sân khấu. Nhưng đó cũng là cách để thầy Huệ Nhẫn thu hút những người yêu thích đờn ca tài tử và cả các bạn trẻ đến đây để ca hát, thi thố…
 
Chị Quý Ngân, chủ nhiệm CLB múa Sao Biển cũng chia sẻ kinh nghiệm, để giúp CLB múa của mình hoạt động hiệu quả chị phải lấy cái này đắp sang cái kia. Chị vận dụng sự khéo léo của mình để may trang phục cho thuê, mở lớp dạy múa vừa để đào tạo nhân tài vừa để có nguồn thu. Chị lấy một phần kinh phí đó để may thêm trang phục, đạo cụ cho CLB; phần còn lại chị đầu tư cho CLB hoạt động và đi phục vụ ở các chương trình nghệ thuật trong tỉnh. Chị Quý Ngân nói thêm, bên cạnh những nỗ lực riêng của từng CLB thì ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nên làm nhịp cầu nối các CLB với nhau thì tất cả các CLB mới hoạt động hiệu quả. Ví dụ, trong một chương trình biểu diễn thời trang có thể mời thêm CLB thơ ca tham gia để ngâm thơ, ca hát; CLB múa cũng dành cho chương trình mấy tiết mục; CLB người dẫn chương trình thì giữ vai trò MC… Với sân chơi tổng lực này vừa có một chương trình phong phú, hấp dẫn, vừa là dịp để các thành viên ở các CLB thể hiện mình.
 
Nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng cao, đòi hỏi phải có nhiều sân chơi năng động, hữu ích. Có CLB nghệ thuật mạnh thì mới có đội, nhóm mạnh. Từ các đội, nhóm mạnh mới xây dựng được các đội bán chuyên, làm “xương sống” cho hoạt động tại các đơn vị văn hóa và các đơn vị văn hóa ngoài ngành như Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh, Nhà Thiếu nhi tỉnh....
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.

  

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu