Tuyên truyền chính sách pháp luật Tuyên truyền chính sách pháp luật
Quy định xử phạt hành chính trong sử dụng tài sản công tại Nghị định 63/2019/NĐ-CP.
09:01 | 20/09/2019 Print   E-mail    

Chính phủ ban hành Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước. Hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019

Theo đó Nghị định quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý; lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước về kế toán, xây dựng, kế hoạch đầu tư, thẩm định giá, đấu giá.

Đối với hành vi thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo các mức phạt sau: Từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong tùy từng trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô…

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện mua sắm tập trung đối với các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Phạt tiền đối với hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định theo các mức phạt sau: Từ 1.000.000 đồng 20.000.000 đồng trong tùy từng trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản có giá trị.

Đối với hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về cho mượn tài sản công không đúng quy định (cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài sản công không phân biệt có hợp đồng cho mượn hay không có hợp đồng cho mượn, không phân biệt thời hạn cho mượn) theo các mức phạt sau: Từ 1.000.000 đến 60.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô…

Còn hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Phạt tiền đối với hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết khi không có quyết định phê duyệt Đề án của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại thời điểm thực hiện hành vi Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng  tùy từng trường hợp trong việc sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

Với hành vi sử dụng điện, xăng, dầu, điện thoại, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị…. bằng kinh phí Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra Nghị định cũng quy định rõ các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả khác như về giao, sử dụng tài sản công, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công; về cho mượn tài sản công,  về trao đổi, tặng cho tài sản công không đúng quy định, chiếm đoạt tài sản công, không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo quy định của pháp luật, xử lý tài sản công và một số nội dung liên quan khác./.

Tin: Kim Nguyễn, BBT