An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Hãy bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại
10:14 | 10/04/2017 Print   E-mail    

Những ngày qua, liên tiếp các vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục được phanh phui, tố cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, khiến toàn xã hội và các bậc phụ huynh hoang mang lo lắng liệu con em mình có đang bị các nguy cơ xâm hại tình dục đe dọa? Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Các vụ việc như một lời chuông cảnh tỉnh đến người lớn và toàn xã hội cần quan tâm nhiều hơn nữa đến con em mình.

Description: Kết quả hình ảnh cho Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại

(Hình minh họa – nguồn ảnh: Internet) 

Hiện nay, ở Việt Nam tình trạng quấy rối tình dục ngày càng lấn lướt và xuất hiện ở khắp nơi. Theo báo cáo của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em. Gần đây, điển hình, vụ việc bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại tình dục và vụ một người đàn ông 76 tuổi bị tố cáo nhiều lần có xâm phạm tình dục các bé gái tại khu chung cư Lakeside ở thành phố Vũng Tàu… và thật đau lòng vụ bé gái 11 tuổi ở Vĩnh Long bị chính cha ruột và ông nội xâm hại. Đây chỉ là số ít trong số hàng loạt các vụ xâm hại tình dục trẻ em được truyền thông trong nước và các mạng xã hội phản ánh trong thời gian qua.

Những con số trên không chỉ làm cho dư luận phẫn nộ mà còn làm cho các bậc phụ huynh cảm thấy bất an, lo lắng. Điều các bậc phụ huynh mong nhất lúc này là làm sao để có thể bảo vệ con thoát khỏi những câu chuyện đau lòng tương tự. Bởi lẽ nguy cơ con em có thể bị xâm hại tình dục ngày càng lớn, và mối nguy hiện diện khắp mọi nơi, kể cả trong nhà lẫn trường học. Các bậc làm cha làm mẹ gặp phải tình huống này đều rất đau khổ và bức xúc, không giữ được bình tĩnh bởi đứa con mình thương yêu bị kẻ xấu xâm hại. Nhiều người mất bình tĩnh, không kiểm soát được cảm xúc mình. Đó cũng là dễ hiểu, tất yếu. Nhưng các vị phụ huynh hãy nhớ, phải giữ bình tĩnh để làm giảm hoảng loạn với trẻ. Cha mẹ nên làm việc với các cơ quan chức năng ngay, thông báo tình hình sự việc để thu thập bằng chứng. Cha mẹ cần phải kết nối, nhờ sự giúp đỡ của y tế kiểm tra xem trẻ bị tổn thương ở đâu. Tạo môi trường yên tĩnh cho trẻ, luôn bên cạnh trẻ tạo sự gần gũi vui vẻ không nên để những người khiến trẻ cảm thấy sợ hãi tiếp cận, đồng thời gặp các chuyên gia tư vấn tâm lý tạo lại sự ổn định về tinh thần cho trẻ. Bên cạnh đó tiếp tục cùng với các cơ quan điều tra và xử lý kẻ gây tội ác.

Để chấm dứt nạn xâm hại tình dục trẻ em, xã hội cần lên tiếng, lên án những hành động vô nhân đức, bảo vệ cho những mầm non tương lai của đất nước. Xin đừng im lặng, thờ ơ, đừng để chúng ta cảm thất một xã hội trở nên bất lực trước những chuyện xâm hại tình dục diễn ra. Vô số trường hợp khác gia đình nạn nhân không dám tố cáo vì sợ bị trả thù, vì xấu hổ, vì lo cho tương lai sau này của con em mình. Tôi luôn nghĩ nếu còn một em bé nào bị bạo hành bị xâm hại thì Việt Nam mình chưa làm tròn nghĩa vụ với những điều đã cam kết Luật ở các quyết định trong Hiến pháp và các công ước quốc tế. Nói gần lại thì các ngành có liên quan cũng chưa tròn bổn phận. Gần hơn nữa thì mỗi chúng ta có phải đang hèn nhát không dám lên tiếng đấu tranh để cái xấu cứ tồn tại mãi.

Hơn ai hết, gia đình và toàn xã hội hãy bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại. Hãy trang bị cho con mình những kiến thức về tình dục, không nên ngại ngùng hay cảm thấy xấu hổ khi kể cho bé nghe về những câu chuyện về vùng kín, chỉ cho bé biết về các bộ phận trên cơ thể chỗ này là tuyệt đối không được để ai sờ hay đụng chạm. Dạy cho bé cách tự tắm rửa vệ sinh thân thể khi trẻ có thể tự làm được, không để người khác dù là người lạ hay người thân thì cũng không được để cho họ tắm rửa, cởi đồ của trẻ. Không để trẻ sang nhà hàng xóm chơi một mình hay giao gửi trẻ ở cùng với người khác dù đó là người quen biết, họ hàng người thân.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ nên quan sát phản ứng tâm lý của trẻ khi đón từ trường, nhà trẻ về nhà mỗi ngày. Nếu phát hiện ra điều gì bất thường, phải tìm hiểu thật rõ ràng, kỹ càng. Dạy cho trẻ cách phản ứng phản kháng mạnh mẽ khi có ai đó cố ý hay muốn đụng chạm vào cơ thể, ôm ấp hôn hít hay cởi quần áo. Nói chuyện, tâm sự, chia sẻ với con cái hằng ngày. Lắng nghe trẻ mỗi khi bé muốn nói điều gì đó. Không nên dùng những từ ngữ dọa nạt hay quát mắng trẻ về việc "không được thế này, mẹ cấm con"... hay những câu đại loại như vậy, như thế sẽ càng khiến cho trẻ sợ hãi không dám thổ lộ tâm sự vì nghĩ mình đã làm sai nói ra sẽ bị ba mẹ mắng. Thay vào đó, cha mẹ hãy nói những từ ngữ làm bé cảm thấy mình được quan tâm bảo vệ một cách gần gũi nhất như: "Mẹ luôn yêu thương và bảo vệ con, nhưng có những lúc mẹ không thể ở gần con được, nếu có ai đó làm con vui hay làm con sợ, đụng chạm gì con thì con hãy kể với mẹ nhé! Mẹ lúc nào cũng luôn lắng nghe con và mong mọi điều tốt nhất dành cho con", như vậy sẽ khiến cho tấm lý của trẻ được thoải mái hơn, dễ chia sẻ hơn. Dặn trẻ đừng tin bất cứ một lời nói của ai nhất là những kẻ lạ mặt, hoặc nếu là người thân thì phải chạy về xin phép ba mẹ trước.

Trẻ em hôm nay là cả thế giới của ngày mai. Ngay từ bây giờ, gia đình và toàn xã hội hãy bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, cho trẻ thơ một tuổi thơ thật trong sáng, lành mạnh và vui tươi./.

Bài: Lê Ngân, BBT