Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Tinh thần “Ngày Toàn quốc kháng chiến” - niềm tự hào của mỗi chúng ta
09:06 | 13/12/2016 Print   E-mail    

 

Được sống trong một đất nước hòa bình, rạng ngời tương lai tươi đẹp, mỗi lần nghĩ về quá khứ trên con đường cách mạng, sự hy sinh dũng cảm của các thế hệ cha anh đi trước, chúng ta càng thấy tự hào về trang sử vẻ vang cùa dân tộc, về “Ngày Toàn quốc kháng chiến” oai hùng, oanh liệt của nhân dân ta.

Như chúng ta đã biết, sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Công – Nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Cách mạng mới thành công, chính quyền nhân dân vừa ra đời, lẽ ra từ đây nhân dân ta sẽ được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để tập trung sức xây dựng đất nước. Nhưng tiếc thay, khát vọng hòa bình chính đáng đó của dân tộc Việt Nam chưa thành hiện thực, thì thực dân Pháp đã có dã tâm muốn trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, đưa đất nước Việt Nam chúng ta đứng trước một tình thế đặc biệt hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước tình thế đó, để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, ngày 19-12-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, và Người đã chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Đáp lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Đêm 19/12/1946, tiếng súng giết giặc của Thủ đô Hà Nội đã nổ bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu trong thành phố, quân dân Hà Nội chính thức bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Tiếp đó, quân dân các địa phương khắp từ Bắc chí Nam đã đoàn kết đồng lòng, nhất tế anh dũng đứng lên kháng chiến. Với tinh thần và ý chí quật khởi của “NgàyToàn quốc kháng chiến”, dưới sự lãnh đạo của của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy cao độ tinh thần chiến đấu, khí phách anh hùng và truyền thống yêu nước, giữ nước trong nhân dân, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu trong suốt chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp tục tạo nên một kỳ tích lịch sử - đánh bại sự xâm lược của đế quốc Mỹ hùng mạnh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tuy sự kiện lịch sử trọng đại của “Ngày Toàn quốc kháng chiến” đã đi qua về thời gian, song ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, sẵn sàng “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”, “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”... vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi chúng ta. Ngày 19/12/1946 mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là biểu tượng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Kỷ niệm 70 năm “Ngày Toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946/19-12-2016) là dịp để chúng ta thấy được tinh thần yêu nước, khí phách hào hùng trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Nhận thức sâu sắc hơn về lịch sử vẻ vang, ý chí quật cường vì độc lập tự do của một dân tộc không chịu làm nô lệ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm. Khẳng định chủ trương phát động Toàn quốc kháng chiến là quyết định đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó góp phần củng cố, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng.

Tinh thần “Ngày Toàn quốc kháng chiến” là niềm tự hào tự tôn dân tộc, là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh, ý chí chiến đấu lao động và học tập cho mỗi chúng ta; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao ý chí cách mạng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Bài: Trọng Chu, BBT