Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Mẹ và mùa xuân trong con!
10:18 | 25/01/2016 Print   E-mail    

 
“Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi, Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần…” Mỗi khi nghe bài hát đó lòng tôi lại xốn xang bồn chồn một nỗi lòng nhớ mẹ, nhớ cái dáng gầy gầy nước da ngăm ngăm tóc bạc trắng của mẹ biết bao. Tết đến, xuân về là lúc đất trời giao thoa, tràn đầy nhựa sống. Là lúc mọi người sum họp quây quần, đoàn tụ để hỏi han, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn của năm cũ và đón nhận năm mới với nhiều hi vọng tốt đẹp. Mùa xuân là lúc mà những đứa con xa quê mong muốn được trở về bên gia đình, chạy ùa vào lòng mẹ để được ủ ấm, để được yêu thương.
 
(Hình minh họa)
 
Mẹ thêm một tuổi là thêm bao lo lắng nhọc nhằn khi con lớn khôn theo năm tháng, là thêm bao trăn trở với gánh nặng mưu sinh oằn trĩu hai vai. Vậy mà, ánh mắt mẹ vẫn lấp lánh khi mùa xuân gõ cửa trước hiên nhà. Và mẹ hạnh phúc khi thấy con của mẹ vẫn đang lớn thêm từng ngày, từng giờ…Xa quê, xa mẹ gần mười năm rồi nhưng tôi chỉ về thăm mẹ được vài ba lần. Tôi không thể nào quên được hình ảnh mẹ những ngày tết đến, xuân về. Giáp Tết mẹ vẫn bon bon trên từng con đường, tiếng rao không ngừng nghỉ. Gánh hàng có vơi đi thì cái Tết mới đến dần. Miếng ngon miếng ngọt ngày Tết là gánh hàng rong ngày một nặng thêm, là mồ hôi của mẹ trên từng quãng đường dài, là tiếng rao khan đục theo từng năm tháng, là đôi bàn tay lạnh ngắt của mẹ vào mỗi sớm mai.
 
Tôi nhớ mãi chiều cuối năm thời đó. Nắng tắt là mẹ về đến nhà, lỉnh kỉnh đồ tết, mứt quả thịt cá… Chị em chúng tôi nhanh chóng dọn dẹp thu vén gọn gàng. Mẹ tất bận tính toán đồng lãi đồng lời. Những tờ giấy bạc được tôi phân loại theo mệnh giá rồi bó lại thành cuộn. Gió nhẹ qua cửa mang theo hơi lạnh những ngày cuối năm. Từng giây, từng phút cứ thế lặng lẽ trôi qua…Trọng trách dọn nhà được mẹ giao lại cho chị em tôi. Từng ngóc ngách trong nhà được “tắm táp” sạch sẽ. Mền, chiếu, gối áo thơm ngát cùng nắng. Cây đào giả năm nào lại dược dịp trưng bày khoe sắc vàng chờ dịp xuân mới.
 
Tết là nỗi lo, nhưng cũng là sự ngọt ngào. Ngọt ngào của không khí xuân tràn lan qua từng tán lá, qua từng khung cửa mỗi nhà và qua từng món ăn của mẹ. Rong ruổi trên đường cả ngày, tối đến mẹ lại cùng chị em tôi chuẩn bị những món ăn ngày Tết. Truyền thống là cái gì đó thiêng liêng, gắn bó đến quen thuộc mà ta không thể chối bỏ dù nghèo, dù khổ. Công cuộc thái đậu, băm thịt, xả hành, chẻ rau hoàn thành cũng là khi những cuộn chả giò được ra đời. Thon dài dài là bàn tay mẹ. Mập tròn xinh tạo bởi tay chị gái. Riêng những “que” gầy nhom ốm nhách là thành phẩm của tôi. Từng cuộn, từng cuộn xếp chồng lên nhau đến khi vung đầy cả mâm. Ngày còn thơ bé, như sự hồn nhiên vốn có của trẻ nhỏ, tôi háo hức mong Tết đến để được nhận lì xì, được mặc quần áo đẹp và được tận hưởng cái ấm cúng của hương vị ngày xuân. Chao ôi sao vui thế! Có pháo nổ tung trời, có mùi hương trầm ấm cúng bay khắp nhà, lan cả ra những con ngõ nhỏ trong chiều Tất niên. Có nồi bánh chưng xanh đỏ lửa với làn khói mỏng lững lờ trên mái bếp. Mùa xuân tuyệt vời của chị em tôi là được ở bên bố mẹ, ông bà và xúng xính đi chơi họ hàng thân thuộc.
 
Nhớ sao cái cảnh êm đềm khi cùng chị gái và bạn bè ngồi trông nồi bánh chưng đến tận khuya, vừa ngồi trông vừa đánh tam cúc hoặc đánh phỏm, cắn hạt dưa tí tách, thỉnh thoảng cao hứng vùi vài củ khoai vào lửa, lát nữa lấy ra ăn. Mẹ thì tíu tít chạy ra chạy vào, khi thì xem nước có vừa xăm xắp bánh không, khi thì thay nước cho nồi măng để đến hôm 30 còn ninh măng với móng giò. Đến khuya muộn mấy chị em đã đói bụng là lúc mẹ chạy ra bảo: ah, bánh chưng bé được rồi đấy, lấy ra ăn thử xem nào (chẳng là năm nào khi gói bánh mẹ cũng gói vài chiếc bánh nhỏ ăn trước trong lúc đêm dài ngồi canh nồi bánh). Thế là cả nhà lại xúm xít vào vừa ăn vừa thưởng thức rồi tự xuýt xoa khen sao bánh chưng năm nay rền thế, muối bỏ vừa đủ, tiêu cũng vừa không hắc lắm.
 
Giờ đây mặc dù đã trưởng thành, công tác xa quê nhưng mỗi dịp Tết đến tôi vẫn thu xếp công việc để được về quê ăn Tết cùng gia đình, được về bên mẹ. Như một thói quen của tuổi thơ tôi vẫn háo hức trông nồi bánh chưng cùng bố mẹ tôi. Tôi không còn chờ đợi để được chiếc bánh của mình mà tôi muốn được sống lại không khí Tết ấm cúng hạnh phúc của những mùa xuân đã qua bởi tôi biết rằng sẽ chẳng có giây phút nào thiêng liêng hơn giây phút được đoàn tụ gia đình bên nồi bánh chưng trong ngày Tết. Nhìn mái tóc hoa râm của bố mẹ tôi lại thấy quý biết bao những giây phút thiêng liêng đó. Một mùa xuân nữa lại cận kề trước ngõ. Ta vẫn nô nức đón xuân sang mà vô tình quên đi những nếp nhăn hằn sâu trên khóe mắt mẹ. Duy có một điều chắc chắn rằng, mỗi độ xuân về, con đọc được trong ánh mắt mẹ là cả một trời hy vọng cho con./.
                                                                                                   
Bài: Lê Ngân, BBT