Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Vai trò của báo chí trong đời sống xã hội
10:59 | 12/06/2015 Print   E-mail    

 
 
 
 
Chúng ta có thể thấy rằng, báo chí có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Sau Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp thì từ trước tới giờ báo chí vẫn được xem là cơ quan quyền lực thứ 4 ở nước ta. Khi nền kinh tế càng phát triển thì báo chí cũng không ngừng đổi mới, năng động và sáng tạo hơn trong tác nghiệp. Báo chí nước ta ngày càng bám sát đời sống xã hội, thông tin nhanh chóng các tin tức sự kiện, đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ tới quần chúng, góp phần củng cố, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
 
 
Những năm gần đây, khi khoa học công nghệ thông tin bùng nổ thì báo chí đang ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn những nhân tố tích cực và đã có nhiều điển hình tiên tiến trong sản xuất và chiến đấu, góp phần đưa kinh tế đất nước phát triển cùng với sự phát triển trung của thế giới. Báo chí là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và nhà quản lý, hoạch định chính sách giúp Nhà nước điều chỉnh những chủ trương, đường lối cho phù hợp với thực tiễn. Báo chí còn tham gia một cách dũng cảm trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và tệ nạn xã hội. Với số lượng báo ngày càng tăng và chất lượng báo ngày càng tốt đã tạo niềm tin và tạo thành một nhu cầu cần thiết cho nhân dân.
 
Sứ mạng của báo chí trước hết là để thỏa mãn nhu cầu thông tin của xã hội. Xã hội càng hiện đại, việc phổ biến thông tin trên quy mô đại chúng càng trở nên quan trọng, và vì vậy, sự phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các phương tiện thông tin đại chúng và xã hội càng trở nên chặt chẽ. Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, vai trò tích cực của cộng đồng truyền thông đã thúc đẩy quá trình xã hội hóa các hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
 
Thông qua báo chí, người dân có thể phát biểu ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề trong đời sống xã hội, qua đó, thể hiện sự giám sát và phản biện xã hội của mình. Bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, phân tích trúng vấn đề trọng điểm và định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận rõ ràng, các cơ quan thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt chức năng phản biện, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt. Bởi thế, vai trò, chức năng phản biện của báo chí ngày càng được khẳng định và niềm tin của công chúng đối với cơ quan truyền thông cũng được nâng lên.
 
Tính chân thật, khách quan là đặc trưng, đặc điểm, là yêu cầu tồn tại của bản thân báo chí và là nguyên tắc đầu tiên để báo chí thực hiện vai trò quản lý xã hội thông qua hoạt động phản biện và giám sát xã hội. V.I.Lê-nin đã nhấn mạnh: Sự thật là sức mạnh của báo chí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn các nhà báo phải luôn trung thực, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức số một của người làm báo cách mạng. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng yêu cầu báo chí phản ánh mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội một cách chân thật, khách quan, đúng bản chất. Nhìn thẳng vào sự thật để giám sát và phản biện xã hội có nghĩa là báo chí phải đưa tin cả về những thành công cũng như những hạn chế, khó khăn, thất bại. Đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật đòi hỏi người viết phải có phương hướng và năng lực tư duy để có thể trình bày một cách chân thực và đi đến bản chất của thông tin sự việc. Có thể nói, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật là sự cụ thể hóa chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí.
 
Tính công khai, công cộng là một xu thế tất yếu, là biểu hiện quan trọng của nền dân chủ, trong đó có quyền được thông tin và tự do ngôn luận được khẳng định rất rõ tại Lời mở đầu của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (năm 1999). Ý kiến trên báo chí có thể được nhiều người thảo luận, bàn cãi từ nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, vì báo chí có tác động trực tiếp và mạnh mẽ, rộng lớn và nhanh chóng trong việc hình thành dư luận xã hội, nên tính công khai cần được lưu ý trên 2 khía cạnh: một là, nói rõ sự thật sau khi đã đánh giá đúng bản chất; hai là, nói rõ sự thật để góp phần xây dựng dư luận xã hội lành mạnh. Báo chí không được công khai dẫn tới lộ bí mật quốc gia, tạo nên mối hoài nghi cho công chúng, hay tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng. Nhưng cũng không thể chấp nhận việc vin vào lý do “muốn dư luận xã hội lành mạnh, yên ổn” để hạn chế tính công khai của báo chí.
 
Tính đại chúng của báo chí được thể hiện ở việc, thông tin báo chí tác động tới xã hội rộng rãi, bao gồm các tầng lớp, các nhóm xã hội khác nhau, nhu cầu thông tin của công chúng được ưu tiên bảo đảm và là thước đo trình độ, năng lực của hoạt động thông tin báo chí. Đồng thời, báo chí cũng là diễn đàn của nhân dân và phải phù hợp với trình độ của công chúng tiếp nhận. Công chúng không chỉ muốn tiếp nhận thông tin từ báo chí một cách thụ động, mà còn tương tác, phản hồi thông tin mạnh mẽ. Chức năng giáo dục của báo chí ngày càng được đề cao, giáo dục để góp phần nâng cao dân trí; nâng cao trình độ tương tác và tính chính xác của thông tin phản hồi; từ đó, môi trường của sự giám sát, phản biện xã hội trong báo chí và dư luận xã hội sẽ trở nên lành mạnh và hiệu quả hơn. 

         Tính chiến đấu là một trong những nguyên tắc quan trọng của báo chí Việt Nam. Tính chiến đấu của báo chí được thể hiện trên cả hai mặt: biểu dương và phê bình. Báo chí ủng hộ chủ trương xóa bỏ quan liêu bao cấp, cải cách hành chính, ủng hộ lối sống có lý tưởng lành mạnh, sáng tạo, năng động, có ý thức xây dựng tập thể và đất nước đồng thời đấu tranh chống lại cách làm thụ động, trì trệ, hình thức chủ nghĩa, hiệu quả thấp, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
 
Báo chí là nhân tố, là phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội. Báo chí là một lực lượng rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của phản biện xã hội trong tiến trình xây dựng một xã hội thực sự dân chủ. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, mỗi thông tin trên báo chí đều có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến vị thế, diện mạo của quốc gia, dân tộc. Do đó, mọi sự phản biện xã hội trên báo chí, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo Việt Nam vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội. Báo chí cần thực hiện nhiệm vụ là kênh thông tin hữu ích giúp Đảng, Chính phủ lãnh đạo, điều hành và quản lý tốt hơn mọi lĩnh vực trong cuộc sống, lấy mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm phương châm hành động và điều này cần thể hiện ở mọi nội dung đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng./.
                                                                             Bài: Lê Ngân
BBT.