Thời gian và những chặng đường Thời gian và những chặng đường
Thành phố Vũng Tàu thời gian và những chặng đường
08:44 | 02/01/2013 Print   E-mail    

 

Những ngôi làng đầu tiên
              Từ nhiều thế kỷ trước, bán đảo Vũng Tàu nơi có người sinh sống đã được nhắc đến trong các thư tịch cổ. Trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục” của Lê Quí Đôn viết năm 1776 ghi: “Đầu địa giới Gia Định là xứ Vũng Tàu, nơi hải đảo có dân cư”. Sách Đại nam Nhất Thống Chí, sử Nhà Nguyễn đã chép:“ … trong có vũng lớn gọi là Vũng Tàu, ngày để che chở cho tàu thuyền đỗ nghỉ. Trên núi có suối nước ngọt, chân núi tụ họp dân chài, thật là chỗ cửa quan xung yếu”.
 
             Nằm ở vị trí tiền tiêu, bán đảo Vũng Tàu án ngữ cửa ngõ ra vào vùng đất phương Nam. Vào cuối đời Gia Long (1820), triều đình nhà Nguyễn đã điều ba đội quân đến đây xây dựng đồn lũy, chống hải tặc, trấn giữ cửa biển, bảo vệ sự bình yên cho vùng biển này. Mang theo gia đình, rời quê vào làm nhiệm vụ tại Vũng Tàu, đội quân của ba ông Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc, Ngô Văn Huyền và những cư dân sinh sống lâu đời ở đây cùng chung vai góp sức khai phá rừng hoang, khai thác biển bạc sống quây quần bên nhau. Ghi nhận công lao của ba ông, năm 1822 vua Minh Mạng đã ban thưởng cho các ông trở thành chủ nhân của dải đất nơi các ông đã đóng quân và có công khai phá. Các ông đã lập nên ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam. Đó cũng là ba ngôi làng có tên đầu tiên trên bán đảo Vũng Tàu. Ông Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc, Ngô Văn Huyền được nhân dân tôn vinh là những bậc tiền hiền có công khai phá vùng đất Vũng Tàu.
                    
Trở thành thành phố du lịch 
            Đặt chân lên bán đảo tươi đẹp, xanh rợp bóng cây, những người Pháp đã nhận ra, Vũng Tàu có một vị trí chiến lược để bảo vệ cửa ngõ ra vào Sài Gòn và là vùng đất du lịch lý tưởng, khí hậu thuận hòa, mát mẻ quanh năm, bờ biển trải dài xanh ngát. Để củng cố vị trí xung yếu này, từ năm 1862 sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam bộ thực dân Pháp gấp rút xây dựng biến Vũng Tàu thành nơi tập kết, lưu trữ hậu cần và là nơi nghỉ mát an dưỡng cuối tuần.
 
           Một phòng tuyến với hơn 23 khẩu đại pháo, cỡ từ 140-300mm được bố trí thành ba trận địa trên các cao điểm quanh Núi Lớn và Núi Nhỏ. Xung quanh các ụ pháo là hệ thống công sự và giao thông hào kiên cố. Cùng với quá trình quân sự hóa, thực dân Pháp triển khai xây dựng nhiều nhà nghỉ, an dưỡng đường và khách sạn tại Vũng Tàu.
                        
          Những tòa nhà mang nét kiến trúc Pháp không ngừng được mọc lên. Vũng Tàu dần dần mang dáng dấp của một thành phố du lịch. Ngày 1 tháng 5 năm 1895, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định thành lập thành phố Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) đặt dưới quyền cai trị hành chính của ông Ernest Outrey. Vũng Tàu trở thành thành phố độc lập, có đủ tư cách pháp lý và ngân sách cần thiết để xây dựng và phát triển theo nhu cầu và mục đích quân sự, du lịch, nghỉ dưỡng. Từ sau khi chính thức trở thành thành phố, cùng với hệ thống đường giao thông mở rộng, nối dài vươn quanh thành phố, nhiều biệt thự, khách sạn, an dưỡng đường, dinh thự sĩ quan (P.O) mới cũng được mọc lên. Khách sạn Grant (Khách sạn Tam thắng hiện nay) xây năm 1870, Bạch Dinh (Villa Blanche)-nhà nghỉ mát của viên toàn quyền Pháp Paul Doumer xây năm 1898, hải đăng xây năm 1907... Với những bãi biển ngập tràn ánh nắng cùng những khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự được xây dựng mới Vũng Tàu trở thành thành phố du lịch có tiếng ở Nam bộ.
 
Là trung tâm du lịch và dầu khí của cả nước.
            Qua bao thăng trầm của lịch sử, từ những ngôi làng nhỏ ven biển Vũng Tàu đã biến đổi từng ngày trở thành đô thị phát triển ngày càng văn minh, hiện đại. Là một vùng biển với nhiều tiềm năng về dầu khí và kinh tế biển có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, kỳ thú với những bãi biển lý tưởng rực nắng, xanh thẳm Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dứa, bãi Nghinh Phong…và nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc sắc như Niết Bàn Tịnh Xá, Thích Ca Phật Đài, Bạch Dinh, Hải đăng…Hiện nay thành phố Vũng Tàu có 1513 cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch, trong đó có 473 khách sạn, nhà nghỉ tương ứng với 6153 phòng và 88 khách sạn, Resort, đạt từ 1 đến 5 sao, hàng năm thu hút hơn 3 triệu khách du lịch, thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch và dầu khí lớn của cả nước. Giờ đây, nói đến Vũng Tàu không thể không nói đến dầu khí. Hàng năm, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro khai thác dầu thô và khí đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nhờ có khí, Nhà nước đã xây dựng Trung tâm công nghiệp khí-điện-đạm Phú Mỹ, một trong những cụm công nghiệp lớn và là Trung tâm nhiệt điện lớn nhất Việt Nam.
        
            Với những lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng sẵn có, thành phố Vũng Tàu đang xác định hướng đi trong tiến trình phát triển của mình. Thành phố đang vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách xây dựng nên một diện mạo mới, sức hấp dẫn mới mà vẫn bảo tồn giữ gìn những nét đặc sắc riêng của bán đảo đã trải qua quá trình xây dựng và đi lên hơn một trăm năm.
 
            Trân trọng những gian khó của bao thế hệ cha ông đi khai phá buổi ban đầu, tự hào với những chiến công oanh liệt, cùng vui với những thành tựu trong dựng xây kiến thiết và tương lai rộng mở của thành phố, Đảng bộ, quân và dân thành phố Vũng Tàu cùng chung sức, chung lòng đoàn kết xây dựng Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng danh thành phố Anh hùng, trung tâm du lịch và dầu khí của cả nước.   
 
                                                                                           Cao Thái Bình
(Thành ủy Vũng Tàu)