Thông tin từ các đơn vị Thông tin từ các đơn vị
Gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần chung tay xóa bỏ “Bạo lực học đường”
06:40 | 02/04/2015 Print   E-mail    

 

Thời gian gầy đây, ở nước ta đã và đang xảy ra tình trạng học sinh đánh nhau, trong đó có một số vụ nghiêm trọng dẫn đến án mạng, cần được cảnh báo. Điển hình là các vụ học sinh dùng hung khí đánh nhau trong trường học, trước cổng trường, học sinh nữ đánh nhau hội đồng gây hậu quả nghiêm trọng và bức xúc trong dư luận xã hội. Bạo lực học đường đang là một thực trạng nhức nhối và trở thành mối bận tâm của cả cộng đồng khi các giải pháp phòng chống tỏ ra chưa hiệu quả. Điển hình gần đây là câu chuyện bạo lực học đường tại Trà Vinh và em Quyền Thị Phương Hà (học sinh lớp 11A4, trường THPT Tử Hà, Phú Thọ) bị câm lặng trong 6 tháng khi là nạn nhân của bạo lực học đường.

http://img.v3.news.zdn.vn/Uploaded/Ycgmvlbp/2014_12_28/baoluc.jpg
(Hình minh họa)
 
Có thể thấy rằng, bạo lực học đường thường diễn ra khi có mâu thuẫn (lớn hoặc nhỏ) giữa giáo viên với học sinh hay giữa học sinh với nhau. Nhưng hầu hết các vụ bạo lực học đường hiện nay xảy ra đều là do xô xát giữa các học sinh này với nhóm học sinh khác. Bạo lực học đường không chỉ mang tới nỗi đau về thể xác mà nó còn để lại những rạn nứt trong tâm hồn và cả những tiếc nuối xót xa đối với gia đình, nhà trường, xã hội. Một số vụ bạo lực học đường xảy ra, tuy chỉ bị xô xát nhẹ nhưng đều để lại trên thân thể đôi khi là những vết sẹo không thể xoá bỏ, còn có một số trận đánh mà những người tham gia bị thương nặng và có cả trường hợp tử vong. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết mà một số bạn trẻ đối cả tính mạng, sức khoẻ để lấy hàng loạt rắc rối kèm theo. Nhưng nỗi đau về thể xác đó chỉ là bề nổi, bề chìm chính là sâu thẳm trong tâm hồn mỗi bạn học sinh đó có những vết rạn nứt mà mãi mãi không thể liền lại. Khi đánh nhau, có thể chúng ta thấy các em học sinh không hề có chút nhân tính hay không biết suy nghĩ, nhưng trong lòng các em lại là những vết thương, không ai nhìn thấy. Các em đánh nhau, các em không hề vui hay hả hê như mọi người vẫn nghĩ mà trong lòng chỉ tràn ngập một nỗi buồn bực cô đơn như đang sống trong một căn phòng với bốn bức tường bóng tối vây quanh.
 
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/WomenMagazine/modern-girls-pt-11272012104631.html/yume.vn-305.jpg/image
 (Hình minh họa)
 
Vậy làm thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường? Đây là câu hỏi làm nhức nhối của ngành giáo dục, gia đình và toàn xã hội hiện nay. Bạo lực học đường mới bị phát giác nhưng thực ra nó đã có trong giới học trò từ rất lâu. Vậy trước tiên, ngay từ khi trẻ em biết nhận thức, hãy giáo dục cho các em biết về tác hại của bạo lực học đường, để không có những hành động lầm đường lạc lối xảy ra. Và sự giáo dục đó phải đến từ nhiều phía như nhà trường, gia đình và xã hội thì mới đạt hiệu quả như mong muốn. Một số bậc phụ huynh chỉ gặp con ở nhà, thấy con ngoan ngoãn, họ không biết ở ngoài con mình đã làm chuyện gì, một số thầy cô giáo chỉ gặp học sinh ở không gian trường lớp, họ không biết ở bên ngoài học sinh đã làm gì. Tất cả những điều đó cha mẹ và thầy cô không thể kiểm soát. Đó là lý do tại sao bạo lực học đường vẫn ngày ngày tiếp diễn và một số học sinh vô tội vẫn phải hứng chịu. Còn một cách để ngăn chặn bạo lực học đường, đó là mỗi học sinh phải có tinh thần phê bình, phải biết lên tiếng trước những hành động xấu.
 
Để đảm bảo an ninh, trật tự trong trường học, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật và bạo lực trong học sinh, Bộ Giáo dục đã đề nghị các Sở Giáo dục chỉ đạo các nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật,  giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc gắn liền với thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Chủ động phối hợp chặt với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và gia đình học sinh trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học và quản lý giáo dục học sinh.
 
Chỉ có lối sống chan hòa yêu thương mới trổ những bông hoa của tình người. Điều đó rất cần trong cuộc sống chúng ta hôm nay. Đất nước ta trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đang rất cần những con người hết mình phục vụ cho sự phát triển đó. Thế hệ tương lai là những con người sẽ trực tiếp đưa đất nước đến bến bờ thắng lợi như lời Bác hằng nhắc nhở, sáng soi: “Non sông Việt Nam có được vẻ vang, đất nước Việt Nam có đươc sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ công học tập của các cháu”. Để làm được điều đó thì chỉ có con đường duy nhất là học tập và trau dồi cho mình những kiến thức vững vàng. Học tập đi liền với sự phát triển của xã hội, loại bỏ tình trạng “Bạo lực học đường” và điều này rất cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và toàn xã hội./.
 
Bài: Lê Ngân
BBT.