An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Vất vả nghề kéo lưới rùng ở Bãi Trước
08:48 | 11/03/2015 Print   E-mail    

 

Đến thành phố Vũng Tàu,khu vực bãi Trước vào buổi sáng sớm khi bình minh mới rạng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh ngư dân vạn chàikéo cá bằng lưới, một phương pháp độc đáo đánh cá gần bờ mà người dân vạn chài gọi là “Kéo rùng”. Người dân vạn chài làm nghề kéo rùng ở khu vực bãi Trước Vũng Tàu, phần lớn là những người nghèo, chủ yếu là đi kéo lưới thuê cho chủ vạn. Sản phẩm thu hoạch được thường bán cho khách du lịch và dân địa phương đi dạo chơi ven biển tại chỗ hoặc được chuyển ngay ra phiên chợ sáng gần đó. Sản phẩm cá mới kéo lên có ưu điểm là còn sống nguyên, rất tươi ngon nên được khách hàng ưa chuộng.
 
Đánh lưới rùng không phụ thuộc vào con nước mà đánh suốt tháng quanh năm, đợi lúc nước ròng là thả lưới. Vì vậy tầm sáng sớm, những tấm lưới đã được mang ra bãi biển chuẩn bị cho lần đánh bắt đầu tiên, những ngư phủ có nhiều kinh nghiệm cứ đi lượn lờ trên bờ, nhìn xuống mặt nước biển, thấy khi nào có đàn cá đi qua khu vực nhiều là lập tức họ cho giăng thả lưới.Thả lưới là khâu quan trọng trong quá trình khai thác, mang tính chất quyết định đến kết quả của mỗi mẻ lưới.
 
 Các ngư phủ đang thả lưới lúc sáng sớm
 
Khu vực bãi Trước có chiều dài quãng gần 1000 m, người dân vạn chài thường thống nhất với nhau quy định và phân chia thành từng khu vực riêng. Một tốp cần bốn người để kéo một tấm lưới, hàng ngày mỗi tốp chỉ được kéo lưới trong khu vực mà mình được phân công. Do kéo lưới gần bờ nên mỗi tấm lưới của họ chỉ cần dài độ 100 – 120 m, chiều cao của tấm lưới độ trên dưới 3 m, lưới có cấu tạo dạng tường lưới, chiều cao tường lưới phải lớn hơn độ sâu nước, trên có viên phao, và dưới có viên chì để tạo lực nổi, lực chìm,sao cho viền chì luôn nằm sát đáy và viền phao luôn nổi trên mặt nước.Lưới bao vây một vùng nước và được kéo dần lên bờ để thu hoạch cá.Kéo rùng có thể thực hiện nhiều lần trong ngày, tùy theo con nước, điều kiện khai thác và nguồn cá.
 
Nguồn cá ven bờ Bãi Trước có rải rác quanh năm, nhưng theo như các ngư phủ cho biết thì thời gian cá về nhiều nhất là vào các tháng 7,8,9. Hàng ngày các ngư phủ thường phải ra sớm và kéo liên tục nhiều mẻ trong một buổi, ngoài việc bị ngâm mình liên tục dưới nước lạnh, còn phải thao tác thả, kéo lưới nên sức lực và cường độ lao động bỏ ra rất nhiều, việc ăn uống cũng thất thường, có khi bỏ cả bữa. Bởi vậy các ngư phủ ở đây ai cũng có làn da đen cháy vì cởi trần kéo lưới ngoài trời nắng và thân hình gầy ốm do ăn uống thiếu thốn và không có điều độ.
 
Mẻ lưới đầu tiên trong ngày được kéo lên.
 
Ngư phủ hầu hết là những người làm thuê cho chủ vạn, nên thu nhập thấp, phần lớn chỉ đủ giải quyết cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày chứ việc tích lũy hầu như không được mấy. Dịp tết vừa rồi do phải chi tiêu nhiều nên những ngày đầu tháng giêng này mọi người lại phải tích cực, lo lắng kéo lưới thật nhiều để tăng phần thu nhập lo cho cuộc sống gia đình sau tết và lo cho các con ăn học trong năm. Bởi vậy mặc dầu năm nay khí hậu thời tiết có lạnh hơn mọi năm, nhưng sáng sớm nào cũng vậy, các ngư phủ cũng phải ngâm mình dưới nước.
 
Tâm sự với một ngư phủ tuổi độ ngoài 40, anh cho biêt vì điều kiện học hành ít, kinh tế gia đình lại khó khăn, vẫn biết rằng làm nghề này là cực nhọc, vất vả mà thu nhập lại chẳng được bao nhiêu, nhưng vì không đủ điều kiện để chuyển nghề nên vẫn phải cố bám theo để lấy tiền cho con cái được ăn học đến nơi đến chốn, sau này cho nó khỏi phải vất vả làm nghề kéo lưới rùng này nữa.
                                                                            
Bài, ảnh: Trọng Chu
BBT.