Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Đến ngày 1-7, các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh phải chuyển hoàn toàn từ văn bản giấy sang văn bản điện tử
02:05 | 30/03/2017 Print   E-mail    

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy với Sở TT-TT về công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp còn có các đồng chí: Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trương Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh cho biết, hiện nay các cơ quan, đơn vị đều trang bị mạng LAN nội bộ, có kết nối internet băng thông rộng; mạng truyền số liệu chuyên dùng được kết nối tất cả các sở, ban, ngành (dung lượng 10Mb), cấp huyện, thành phố (dung lượng 930Mb) và cấp xã (dung lượng 4Mb). Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng được một cầu truyền hình hội nghị trực tuyến được kết nối với 11 điểm cầu gồm văn phòng UBND tỉnh, Sở TT-TT, Sở NN-PTNT và 8 huyện, thành phố. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được đầu tư các trang thiết bị mạng, bảo mật, máy chủ…

Tuy nhiên, theo đánh giá về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) năm 2016, BR-VT xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố (tụt 5 hạng so với năm 2014 và năm 2015) và xếp thứ 4 khu vực miền Nam. Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh chỉ mới dừng lại ở mức triển khai một số ứng dụng dùng chung: Thư điện tử công vụ, một cửa điện tử… Việc triển khai các ứng dụng chuyên ngành còn rời rạc, thiếu kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Năm 2017, Sở TT-TT đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường ứng dụng chữ ký số, trao đổi văn bản điện tử, không sử dụng văn bản giấy; nâng cấp mail công vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng của CBCNVC; đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN thông qua các kênh cổng thông tin điện tử; triển khai phần mềm một cửa điện tử đến 8 huyện, thành phố và 21 xã, phường, thị trấn theo mô hình tập trung và xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Sở TT-TT cũng đề xuất các nhiệm vụ khác như đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã góp ý nhiều vấn đề trong đó tập trung vào việc chú trọng đào tạo nhân lực làm công việc ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn  vị; các ngành, địa phương phải xây dựng lộ trình cụ thể về ứng dụng CNTT; thúc đẩy DN CNTT phát triển…

Sau khi nghe báo cáo của Sở TT-TT và góp ý của các sở, ngành, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu Sở TT-TT phải rà soát lại để biết nguyên nhân vì sao chỉ số xếp hạng ICT năm 2016 của tỉnh tụt 5 hạng, đồng thời đề xuất, tham mưu cho tỉnh giải pháp khắc phục. Đối với đầu tư hạ tầng, đồng chí Bí thư đồng ý việc xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh nhưng phải có kế hoạch đầu tư hạ tầng tiết kiệm, đồng bộ và hiệu quả, tránh tiêu cực và lãng phí. Đối với nhân sự, đề nghị bổ sung thêm nhân viên và lãnh đạo có chuyên môn về CNTT cho Sở TT-TT. Đồng thời, lưu ý các cơ quan tham mưu, khi bổ nhiệm cán bộ phải tính toán đến việc ưu tiên những người am hiểu CNTT. Hiện tại, đối với các lãnh đạo cấp tỉnh đã được bổ nhiệm phải tổ chức đào tạo về ứng dụng CNTT để đạt mục tiêu 90-100% lãnh đạo ứng dụng CNTT trong điều hành, giải quyết công việc. Và đến ngày 1-7-2017, toàn bộ các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ chuyển thư mời, văn bản dưới dạng văn bản điện tử; chấm dứt hoàn toàn việc chuyển văn bản bằng giấy.

Nguồn:  http://www.baobariavungtau.com.vn