Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Lễ cúng Miễu Bà ngũ hành.
05:27 | 23/11/2013 Print   E-mail    

 

 

Trong 3 ngày 18, 19, 20/11 Khu di tích lịch sử, văn hoá Đình thần Thắng Tam (số 77A đường Hoàng Hoa Thám - phường Thắng Tam - Thành phố Vũng Tàu) đã tổ chức Lễ cúng Bà Ngũ Hành Thần Thắng Tam. Đây là lễ cúng theo thông lệ cổ truyền vào ngày 16, 17 và 18 tháng 10 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo người dân đến dâng hương, hoa cúng kiếng.

 

 

 

                  Theo thông lệ cổ truyền, Khu Di  tích Lịch sử  Văn hóa Đình Thắng Tam Vũng Tàu,  Miễu Bà Ngũ Hành sáng lập và xây dựng vào năm Nhâm Thìn 1832 được Vua Thiệu Trị tặng cấp 04 Đạo Sắc Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng Đẳng Thần và Thủy Long Thần Nữ Thượng Đẳng Thần vào năm 1845-1846. Vua Tự Đức tặng cấp 02 Đạo Sắc Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng Đẳng Thần và Thủy Long Thần Nữ Thượng Đẳng Thần vào năm 1850. Với những giá trị đặc sắc về văn hóa hữu hình trong nghệ thuật - kiến trúc, cùng với dấu ấn riêng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng tâm linh ngày 25/3/1991 Ngôi Đình Thần Thắng Tam, Lăng Ông Nam hải, Miễu Bà Ngũ Hành được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận xếp hạng “Khu Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia”.

 

                    Tương truyền miếu Bà rất hiển linh nên vào các ngày hội, lễ cúng đã thu hút hàng ngàn du khách thập phương và người dân địa phương hội tụ về hành hương, phụng cúng rất đông vui nhộn nhịp. Miếu Bà được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Lúc đầu nó chỉ là ngôi nhà tranh vách do ngư dân Thắng Tam xây dựng để thờ Ngũ Hành, tức năm yếu tố vật chất: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ (theo tư tưởng triết học Trung Quốc mà Việt nam ảnh hưởng). Ngoài Ngũ Hành, Miếu Bà còn thờ hai vị hộ quốc được vua phong Thượng Đẳng Thần là bà Thiên Y-A-Na và Thuỷ Long Thần Nữ. Điều này chứng tỏ tính riêng của ngôi miếu khi chủ nhân của nó là những người sống bằng nghệ chài lưới trên biển. Đến đây người dân cầu mong sự bình yên may mắn, xem hát tuồng cổ, vui chơi giải trí... Chương trình Lễ cúng diễn ra suốt 03 ngày với các nghi thức: lễ nghinh thỉnh Bà Thuỷ Long Thần Nữ từ miếu Hòn Bà (mũi Nghinh Phong) vào Miễu Bà ở đình Thắng Tam; nghi thức cúng giỗ tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ; thỉnh sắc thần vào ngôi Miễu Bà; chánh lễ cúng Bà ngũ hành; thỉnh sắc thần và long vị vào ngôi đình thần; lễ xây chầu đại bội. Ngoài phần lễ, trong các ngày từ 18 đến 20-11, còn diễn ra phần hội với các hoạt động văn hoá, văn nghệ như: biểu diễn ca nhạc, múa lân - sư - rồng; biểu diễn tuồng cổ với các vở diễn: Thạch Kim Huê đả hổ, Nữ tướng Bạch Phù Dung; Điều huê nữ hạ san, Thập tứ nữ anh hào… do đoàn hát bội và tuồng cổ Ngọc Khanh (TP.Hồ Chí Minh) biểu diễn.

                          Lễ hội Miếu Bà vốn có tiếng hiển linh, vào các ngày hội người từ thập phương về hành hương, phụng cúng rất đông. Miếu bà và lễ hội Miếu Bà là nét đặc sắc của văn hoá tâm linh dân cư ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

  Bài, ảnh: Tiến Loan

BBT.