Thông báo Thông báo
Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 trên địa bàn thành phố Vũng Tàu.
08:25 | 11/12/2019 Print   E-mail    

Nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra; khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, ngày 09/12/2019, UBND thành phố Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 7183/KH-UBND về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 trên địa bàn thành phố Vũng Tàu.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là: Giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các bệnh dịch nguy hiểm lưu hành; khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch,khống chế không để các bệnh dịch gia tăng và bùng phát trên địa bàn; Đảm bảo việc thu dung,phân loại mức độ bệnh, xử trí  tại y tế cơ sở hoặc chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh truyền nhiễm; Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cả cộng đồng về công tác phòng, chống dịch; Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực sẵn sàng đáp ứng kịp thời mọi tình huống khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Theo Kế hoạch, các chỉ tiêu chính về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2020 trên địa bàn thành phố Vũng Tàu là: 100% bệnh, dịch mới phát sinh được phát hiện và xử lý kịp thời; Giảm 5-10% số mắc các bệnh truyền nhiễm phổ biến so với trung bình giai đoạn 2014-2018; 100% cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực.

Đối với Bệnh Sốt xuất huyết Dengue: Giảm 8% tỉ lệ mắc/100.000 dân so với mắc/100.000 dân trung bình giai đoạn 2014 – 2018; Khống chế tỉ lệ chết/mắc do SXH dưới 0,09%; 80% Bệnh nhân SXHD được theo dõi, điều trị tại tuyến cơ sở y tế; 17/17 Phường xã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng ít nhất 2 lần/năm; Ít nhất 80% ổ dịch được xử lý sớm và triệt để.

Đối với bệnh Tay Chân miệng: Giảm 5% số mắc, chết so với trung bình giai đoạn 2014 – 2018; Khống chế không để dịch Tay- Chân- Miệng bùng phát.

Đối với bệnh Cúm A/H5N1 và Cúm A/H7N9: 100% ổ dịch Cúm A(H5N1)  trên người được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nguồn lây nhiễm được theo dõi và quản lý sức khỏe; Bệnh Cúm A/H7N9; Phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm A/H7N9.

Đối với bệnh MERS- CoV: Giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch; Không để dịch bùng phát và lan rộng.

Đối với bệnh Dịch tả: Giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh xảy ra, lan rộng.

Đối với bệnh Viêm màng não do não mô cầu: 100% ổ dịch được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Đối với bệnh bệnh Thủy đậu: Giảm 5% số mắc, chết so với TB giai đoạn 2014-2018; Khống chế không để dịch Thủy đậu bùng phát

Đối với bệnh bệnh Quai bị: Giảm 5% số mắc, chết so với TB giai đoạn 2014-2018; Khống chế không để dịch Quai bị bùng phát

Bệnh Dại: Không để tử vong do bệnh dại. Giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh, Không để dịch bùng phát, lan rộng.

Nội dung thực hiện Kế hoạch: Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp Ủy đảng và UBND trong công tác phòng, chống dịch bệnh; Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong việc phối hợp tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn công tác giám sát, phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm; Tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm với sự tham gia rộng rãi của nhân dân và các tổ chức xã hội cùng với cơ quan quản lý nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Tăng cường huy động nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường giám sát bệnh chủ động tại khu vực có nguy cơ và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời thu dung, cách ly, chuyển tuyến, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng và dịch bệnh bùng phát. Tập trung các dịch bệnh nguy hiểm (MERS-CoV, Cúm A/H5N1, Cúm A/H7N9,…) và các bệnh lưu hành có số mắc cao như ( Tay- Chân- Miệng, Sốt xuất huyết, Sởi, Thủy đậu,..); Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong TCMR, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95% quy mô phường, xã; Triển khai, thực hiện hiệu quả công tác giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm gây dịch (Cúm, Sốt xuất huyết, Viêm não Nhật Bản, dịch hạch), nhằm cung cấp chính xác, kịp thời đầy đủ các thông tin cần thiết về dịch tễ học, các yếu tố liên quan, làm cơ sở lập kế hoạch dự phòng bệnh chủ động;

Về truyền thông - Giáo dục sức khỏe: Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng phòng bệnh; Tăng cường ứng dụng thông tin, chủ động ứng phó xử lý các tình huống thông tin y tế bất cập, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, lợi ích tiêm chủng để vận động nhân dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, phối hợp và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; Tiếp tục tổ chức các chiến dịch tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch vệ sinh môi trường, thực hiện tốt chỉ tiêu công trình vệ sinh; Duy trì tốt phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức  khỏe nhân dân.

UBND thành phố Vũng Tàu giao Phòng Y tế và Trung tâm Y tế thành phố tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố; Chủ động cung cấp tài liệu về các nội dung tuyên truyền liên quan đến  phòng, chống dịch bệnh cho các cơ quan thông tin đại chúng; Trung tâm Y tế thành phố hướng dẫn chuyên về môn kỹ thuật, công tác giám sát, xử lý các ổ dịch truyền nhiễm trên địa bàn; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị, địa phương; Đảm bảo thông  tin báo cáo, tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế và Sở Y tế tỉnh.

UBND thành phố cũng giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND 17 phường, xã phối hợp với phòng Y tế, Trung tâm y tế thành phố tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; Tổ chức lực lượng chỉ đạo, giám sát các biện pháp phòng chống dịch, phân công thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố phụ trách địa bàn trực tiếp để nắm bắt, kịp thời chỉ đạo và tham gia phòng, chống dịch tại các phường, xã;  Chủ trì và phối hợp với các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể…, tổ chức triển khai các hoạt động phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người hàng năm trên địa bàn thành phố; Thông tin báo cáo tình hình dịch bệnh phòng, chống dịch truyền nhiễm theo quy định./.

Tin: Bằng Lăng, BBT